Phụ Nữ Sức Khỏe

Phía sau người con nổi loạn là bi kịch nhẫn tâm của ông bố với ‘bé đường’ bao nuôi đáng tuổi con, nghe mà cào xé tận tâm can

Mẹ tao chắc chưa biết gì đâu. Bà ấy hi sinh cả đời cho bố con tao rồi. Giờ tao cũng chẳng biết nên làm sao cho đúng… Nhiều khi tao muốn hỏi ông ấy, lúc sung sướng với “con gái đường” thì có nghĩ cho đứa con gái ruột là tao không?

- Mày phải bỏ dần cái kiểu nghiệp tụ vành môi của mày đi, lúc nào cũng bạ đâu nói đấy, rồi có ngày vạ vào mồm. Mày cứ mạt sát như thế nhỡ người ta tử tự thật thì sao?

- Thân ai thì người ấy tự lo, dám làm thì phải dám sống mà nghe miệng đời nó rỉa róc!

Đó là Tú Quỳnh, cô bạn thân của tôi. Một cô nàng lai tây. Tú Quỳnh ngúng nguẩy mang cái vẻ mặt vẫn chưa dứt hoàn toàn sự non nớt, vừa lấy hơi hút trân châu trong ly trà sữa, vừa phun ra 1 tràng những câu từ cay nghiệt đến giật mình.

Tú Quỳnh rất xinh xắn, nét đẹp nửa Âu nửa Á lại càng khiến cô nàng có sức hút hơn nữa. Tú Quỳnh vẫn mang quốc tịch Đan Mạch nhưng từ bé đã sống ở Việt Nam, hơn nữa, lại sinh trưởng trong 1 gia đình có đủ thành phần người nên thành thử cô nàng này có cái tính cái hòa trộn nhưng không nhuẫn nhuyễn lắm giữa tây và ta. Tú Quỳnh quả thực là cô nàng nêu cao tinh thần dân chủ nhưng lại tọc mạch, soi mói, ngồi lê đôi mách hệt như mấy bà hàng xóm nhà bên.

Tôi gặp Tú Quỳnh trong 1 lần chọn mua sách ở phố Đinh Lễ, với vẻ đẹp đó thì dù có là con gái như tôi đi chăng nữa cũng khó mà kìm lòng không nhìn với theo 1 chút. Thế nhưng để mà nói thật sự quen biết thì là khi tôi vào Sài Gòn học, trong 1 quán café.

Tôi và Tú Quỳnh không có bất kỳ điểm chung nào với nhau. Tôi là 1 đứa con gái cổ hủ, thích đi theo lối mòn, nhiều lúc muốn đổi 1 vị trà sữa mới cũng phải mất rất lâu đắn đo suy nghĩ để rồi cuối cùng vẫn cứ chọn vị quen thuộc.

Ảnh minh họa: Internet

Tú Quỳnh thì đi đến đâu sẽ làm náo loạn đến đó, cô nàng luôn biết cách nổi bật giữa đám đông, cũng phải thôi, nhan sắc ấy có muốn chìm nghỉm cũng không nổi… Tú Quỳnh khá phổi bò, cô nàng nghĩ gì trong bụng thì trên gương mặt sẽ hiện rõ mồn một ra hết. Cũng bởi lẽ đó, nếu bảo nàng ta giả vờ xởi lởi, bằng mặt không bằng lòng với ai đó thì chắc chắn là điều không thể.

Dạo gần đây, tôi có để ý thấy hình như Tú Quỳnh khá quan tâm đến 1 đứa con gái mới chuyển từ khoá Đông Phương Học sang khoa chúng tôi. Nhất cử nhất động của cô gái này đều lọt vào tầm mắt cú vọ của Tú Quỳnh hết.

Theo nhận xét khách quan của mình, tôi thấy cô gái đó cũng khá xinh xắn, hình như là gái Miền Tây. Trong các tiết học thì cô gái này cũng khá trầm, không cố gắng giao tiếp với mọi người dù không ít bạn chủ động tiếp cận. Cái tính các này dường như khá giống với tôi, thế mà chẳng hiểu sao Tú Quỳnh luôn nói với tôi rằng cô gái kia chẳng đơn giản xíu nào.

Đôi ba lần tôi nhận thấy cô gái này sở hữu vài món đồ khá đắt tiền so với khả năng chi trả của 1 nàng sinh viên, cũng có vài lần khác tôi ngửi thấy hương nước hoa quá nồng hoà trộn với mùi son phấn quá mức chải chuốt so với lứa tuổi toát ra từ vị trí của cô gái này. Thế rồi sau đó, tôi cũng phải đồng tình với suy nghĩ của Tú Quỳnh, cô gái này có gì đó không được bình thường cho lắm.

Nói đi thì vẫn phải nói lại, tất cả chỉ là suy nghĩ cảm tính cá nhân nên dần dà tôi cũng không quá chú tâm đến chuyện cô gái kia nữa. Thế nhưng Tú Quỳnh thì không. Dạo gần đây, chủ đề của chúng tôi dường như chỉ xoay quanh cô gái mới chuyển đến khoa mình. Có lúc tôi cũng cho rằng vốn dĩ xưa nay Tú Quỳnh không thích các cô gái xinh đẹp nên có thể cô nàng hơi “ngứa mắt” với đối tượng mới này, thế nhưng thường thì đám hotgirl trong trường Tú Quỳnh cũng không quá soi mói 1 ai. Hay cũng có thể vì cô gái kia khá trầm tính mà Tú Quỳnh thì lại luôn cho rằng mấy cô nàng trầm mặc thì đều là làm trò để gây sự chú ý, nhưng nếu nói như vậy thì rõ ràng Tú Quỳnh vẫn luôn bám riết lấy cái đứa trầm nhất khối là tôi như 1 cái đuôi xinh đẹp nhưng phiền phức mà.

Mãi cho đến mấy ngày gần đây, Tú Quỳnh nghe ngóng được vài thông tin khá hay ho về cô gái kia mà tôi thì cũng không cưỡng lại được sự tò mò với cả tá thông tin siêu hot này… Tôi cũng là con gái thôi mà!

Ảnh minh họa: Internet

Nghe đâu, cô này ở Đồng Tháp hay Trà Vinh gì đó, tôi không xác định được chính xác thông tin này lắm, gia đình thì không hề khá giả, nhà có 2 chị em gái thì được cả cô chị lẫn cô em đều sắc nước hương trời. Đến đây thì tôi thấy không ổn, nếu đã là gia đình không mấy khá giả thì làm sao mà cô gái này có thể ngày ngày cưỡi xế hộp đến trường vậy? Tôi nhớ lại 1 chút thì dường như tài xế của cô gái này là những chàng trai mà chưa kịp thuộc mặt đã ngay lập tức thay mới. À không… cũng không thể gọi họ là “chàng trai” cho được.

Dân Nhân Văn chúng tôi năm đó hay cợt nhả với nhau về việc muốn làm giàu thì đầu tư theo chiến lược “ruộng bậc thang”. Tức là khi bạn có sẵn gương mặt thanh tú và thân hình mộc mạc thấm đẫm hương đồng gió nội thì bạn nên nói chuyện yêu đương bọ xít với anh chàng sinh viên nào đó mà để đưa được bạn đi ăn nhà hàng, ngồi café hay trà sữa mỗi buổi chiều, hoặc giả là mua tặng bạn thỏi son rẻ tiền bán trong chợ Bà Chiểu thì có khi cậu ta phải sống chung thân với mì gói hết tháng này sang tháng khác.

Kế đó, khi da đã hồng hào vì không phải ăn uống kham khổ, môi đã đỏ mọng màu son thì bạn sẽ dễ dàng tiếp cận với các chàng công nhân viên chức có thu nhập ổn định, hoặc là chàng nhân viên văn phòng nào đó chán cơm thèm phở chẳng hạn. Với khả năng tài chính của các chàng trai này, việc chăm chút cho bạn chiếc váy hồng bồng bênh, mái tóc màu nâu tây sang chảnh hay đôi cao gót tôn vinh thêm cho cặp chân dài miên man… quả thực chẳng phải điều khó khăn gì.

Cứ thế, trong những lần check-in café sang chảnh, nán lại lâu hơn ở những khu vực đồ hiệu trong Parkson, biết đâu bạn sẽ bắt gặp được Sugar daddy của đời mình. Một ông bố đường từ trên trường rớt xuống, ông bố đường mà trong cái thời buổi kinh tế khó khăn như hiện này thì vẫn phải đau đầu vắt óc ra mà suy nghĩ xem phải tiêu tiền thế nào cho nó đỡ thừa mứa…

Tú Quỳnh đang hướng đôi mắt xanh biếc của nó ra ngoài cửa sổ, việc phải ngồi cắm rễ với đứa ít mở mồm như tôi trong 1 quán café sách chẳng khác nào cực hình đối với nó. Tú Quỳnh cứ liên thiên mãi từ chuyện định xin vào toà soạn nào rồi lại đến vấn đề sợ thất nghiệp vì sinh viên khoa tôi vốn chẳng mấy ai tốt nghiệp xong mà ra đời làm đúng cái nghề mà mình học cả.

Lại phải nói đến chuyện yêu đương nhăng nhít của Tú Quỳnh, Tú Quỳnh “crush” 1 anh chàng bên khoa Du Lịch, chàng thấp hơn nàng nguyên 1 cái đầu, cũng chẳng có gì nổi bật ngoại trừ việc có nhà trong thành phố và dường như chuyện tiêu xài cũng không quá eo hẹp so với phần đông đám sinh viên sống xa nhà trong trường chúng tôi.

- Hôm bữa, tao có thấy chàng của mày đi với con bé mới chuyển đến khoa mình đấy.

Tú Quỳnh nghe xong thì muốn sặc nguyên cả cốc trà sữa trân châu vừa mới lấy hết sức bình sinh để hút 1 hơi cho đã đời. Tôi phì cười rồi đợi phản ứng biến hoá rất thú vị trên khuôn mặt xinh xẻo của nó.

- Tao thấy con bé ý với chàng của mày vùng vằng cãi cọ với nhau. Chàng của mày đuổi theo, con bé thì giận dỗi bỏ đi.

Cô nàng lai tây này trợn tròn đôi mắt nhìn tôi, miệng không khép lại được như nhai nuốt từng chữ tôi thốt ra.

- Mỗi thế thôi, lúc tao ra bãi xe thấy con bé kia nó thui thủi ngồi 1 mình, tự nhiên thấy tội tội.

- Ủa mày bị ấm đầu à Kim? Thóc đâu mà mày đãi gà rừng nhiều vậy? Sao mày không thương tao đang bị tổn thương vì “crush” lại có mối quan hệ phức tạp với cái con tao ghét cay ghét đắng?

Tôi cũng chẳng hiểu vì sao Tú Quỳnh lại ghét cô gái kia đến vậy, cái kiểu ghét bỏ, hắt hủi như thù như hằn khiến tôi bỗng nghi ngờ, có hay không giữa Tú Quỳnh và cô gái kia có thâm thù nào đó mà tôi không biết.

Sài Gòn là nơi mà tôi sợ nhưng vẫn phải dấn thân vào, tôi yêu cái đằm thắm của Hà Nội nên chẳng thể vội vàng với nhịp sống Sài Gòn, tôi yêu cái khắc nghiệt ở đất Thủ đô mà chẳng thể quen được với việc quanh năm ngày tháng ở đây chỉ có một cảm xúc. Nhưng không thể phủ nhận, đây lại là mảnh đất “màu mỡ” khó lòng từ chối mà minh chứng rõ ràng nhất chính là kẻ cổ hủ như tôi cũng không thoát được sự cám dỗ ngọt ngào của nó.

Nhắc lại chuyện cô gái xa lạ mà dạo này lại quá ảnh hưởng đến cuộc sống của hai đứa chúng tôi, có một sự thật mà ai cũng nhìn thấy đó là cô gái xinh đẹp này đang sống trong sự bao bọc – nuôi dưỡng của “một vài kẻ thừa tiền”. Sáng nay tôi và Tú Quỳnh còn nhìn thấy cô nàng tay trong tay với một “anh chàng” mà cả hai đứa chúng tôi đã từng gặp trong một cuộc phỏng vấn doanh nhân thành đạt, chỉ có điều câu đầu tiên của chúng tôi nói với “anh chàng” kia đó là CON CHÀO CHÚ.

Ảnh minh họa: Internet

Buổi tối sau khi hoàn thành ca làm thêm buổi chiều, tôi mệt mỏi về nhà và tiếp tục cuộc chiến không ngừng nghỉ với tài liệu ôn thi cuối kỳ. Rảnh tay 1 chút, tranh thủ lướt qua vài bài báo tôi chợt nhận ra rằng có quá nhiều bài viết về mối quan hệ những cô gái “chân dài” và các “đại gia” nhiều tiền. Từ những cô hoa hậu, người mẫu như cô nữ hoàng, nữ vương nào đó với phát ngôn hết hồn khẳng định rằng không có tiền thì đừng hòng lọt được vào mắt xanh của cô ta rồi đến cả những cô sinh viên như chúng tôi nữa chứ. Tôi chợt nhớ ra, mắt Tú Quỳnh màu xanh hẳn hoi đó, thế mà anh chàng sinh viên khoa Du Lịch hết sức bình thường, thậm chí còn thấp hơn nó cả cái đầu vẫn lọt được vào đấy thôi.

Tú Quỳnh nhắn tin cắt ngang suy nghĩ dài dòng của tôi.

“Mày đến đây ngay cho tao”.

“Mày ở đâu mà đến”.

“Diamond, tầng bán quần áo ý”.

“Tao không mua bán gì nữa đâu đấy, đang ôn bài, lúc khác”.

“Có việc.”

Tôi không nhắn tin lại, thay đồ rồi dắt xe phóng lên đó, cái nơi của tầng lớp trung lưu đến thượng lưu mà phần đông người dân chỉ vào đây ngồi ké điều hoà cho mát và tiện giải quyết vấn đề tế nhị. Tôi sống giữa hai tầng lớp đó, cuộc sống nằm giữa giàu có và nghèo nàn. Một cô bé mới chỉ sáu tuổi mà ngày nào cũng được bố đưa cho số tiền không hề nhỏ chỉ để dùng vào những việc tiêu vặt, nhưng lại lại phải ý thức được rằng đó là số tiền lớn đối với người mẹ tảo tần thậm chí đã phải từ bỏ việc nuôi con mình. Có lẽ bởi vậy, hơn ai hết tôi nhận thức rõ rệt sự khác biệt giữa hai tầng lớp xã hội này. Kẻ thừa và người thiếu, chỉ đơn thuần thế thôi.

Tôi đến nơi. Trèo lên tầng Tú Quỳnh nhắn tin, tôi nhìn thấy nó, cũng kịp nhìn thấy người đàn ông ngoại quốc ở phía ánh mắt nó hướng về và tất nhiên là cả cô gái đi cùng ông ta nữa…

Người đàn ông ngoại quốc ấy không ai khác chính là bố của Tú Quỳnh, cô gái đang tay trong tay, thân mật âu yếm với ông ấy thì thật trớ trêu thay lại chính là cô sinh viên cùng trường mà Tú Quỳnh vốn không hề ưa chút nào.

*****************

- Mày biết chuyện bố mày nuôi gái lâu chưa?

Tôi hỏi nó khi cả hai đã ngồi trong quán café quen thuộc trên đường Nguyễn Đình Chiểu ở quận 3.

- Trước lúc con kia chuyển sang khoa mình.

- Sao không nói gì với tao?

- Chuyện ông bố tuyệt vời của mình đi hú hí với đứa đáng tuổi con thì tự hào lắm ý mà khoe.

- Mày định thế nào?

- Mẹ tao chắc chưa biết gì đâu. Bà ấy hi sinh cả đời cho bố con tao rồi. Giờ tao cũng chẳng biết nên làm sao cho đúng… Nhiều khi tao muốn hỏi ông ấy, lúc sung sướng với “con gái đường” thì có nghĩ cho đứa con gái ruột là tao không?

Cả hai chúng tôi im lặng, thật lòng chẳng ai muốn nhắc đến cái chuyện không hay ho đó, nhưng như tôi đã nói và như Tú Quỳnh đã nghiệm ra, đó là lẽ dĩ nhiên của cuộc sống này.

Chúng ta không có quyền và cũng không thay đổi được điều gì. Có những điều mà đạo đức lên án nhưng xã hội lại âm thầm chấp nhận thậm chí là ủng hộ. Người ta có thể đứng ngoài c.hửi b.ới hay chậc lưỡi tiếc cho hạnh phúc gia đình nào đó khi có sự tham gia của một người thứ ba. Nhưng, chẳng thể nào ngờ và cũng không khi nào chuẩn bị sẵn tâm lý cho mình trong trường hợp chính gia đình mình nằm trong cái vòng “cung và cầu” chẳng vẻ vang gì đó.

Tôi và Tú Quỳnh có thể không phán xét, nhưng miệng lưỡi, nhất là của những người Á Đông như chúng ta thì có. “Họ” kinh doanh bằng số “vốn” sẵn có của mình, tất nhiên không ai có thể tham gia vào, nhưng đã là kinh doanh thì không tránh khỏi những phi vụ thất bại và đôi khi cả chì lẫn chài rủ nhau đi hết.

Thiên Bảo (t/h)