Phụ Nữ Sức Khỏe

Nhầm tưởng con ho khò khè mắc bệnh viêm phổi, bé gái 14 tháng tuổi được cứu sống với căn bệnh nguy hiểm.

Theo thông tin từ Báo giadinh.suckhoedoisong, các bác sĩ Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện Nhi Trung ương đã mổ thành công, cứu sống bé gái 14 tháng tuổi bị hẹp khí quản bẩm sinh, bất thường động mạch phổi.

Theo nguồn tin từ bệnh viện, bệnh nhi là bé B.N (14 tháng tuổi, quê ở Trà Vinh). Từ khi sinh ra vài ngày bé N đã khò khè, thở yếu hơn các bạn bình thường. Đi khám ở các bệnh viện trong tỉnh bé N được chẩn đoán bị viêm phổi. Uống thuốc theo đơn khỏi được một thời gian rồi bị tái lại liên tục. Khi bé N được 1 tháng tuổi càng ho và khò khè nhiều, uống thuốc dài ngày mới đỡ.

Khi bé N 12 tháng tuổi, các triệu chứng trên vẫn không thuyên giảm, đi bệnh viện khám rồi uống thuốc liên tục. Gia đình quyết định cho bé đến một bệnh viện ở TPHCM khám thì được chẩn đoán bị hẹp khí quản kèm theo bất thường động mạch phổi. Tuy nhiên, trường hợp bệnh của bé rất phức tạp, tiên lượng xấu, ra vào bệnh viện nhiều lần nhưng chưa tìm được hướng giải quyết.

Hình ảnh khí quản hẹp và bất thường động mạch phổi của bệnh nhi B.N. Ảnh: Đại Biểu Nhân Dân

May mắn, một bác sĩ công tác tại bệnh viện ở TPHCM đã liên hệ với TS.BS Nguyễn Lý Thịnh Trường (Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương – Bác sĩ có rất nhiều kinh nghiệm trong phẫu thuật, điều trị các bệnh tim mạch cực khó ở trẻ). Sau khi tiếp nhận trường hợp bé B.N và xem hồ sơ bệnh án, TS.BS Nguyễn Lý Thịnh Trường đã giục gia đình cùng các bác sĩ trong đó đưa bé ra Hà Nội sớm nhất có thể để kịp thời phẫu thuật trước khi bệnh tình trở nặng thêm.

Ngày 14/1 (23 Tết Nguyên đán Quý Mão), gia đình bé N bay từ Trà Vinh ra Hà Nội. Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã lập tức đưa bệnh nhi vào Khoa Điều trị tích cực Nội khoa để chăm sóc đặc biệt, chuẩn bị các điều kiện sức khỏe tốt nhất cho trẻ trước mổ.

Ngày 16/1, các bác sĩ Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Nhi Trung ương) đã tiến hành hội chẩn khẩn trương, thực hiện các xét nghiệm chi tiết để xác định vị trí khí quản bị hẹp và lên phương án phẫu thuật. Sau gần 5 tiếng trong phòng mổ, ca phẫu thuật thành công.

 

Nếu bị hẹp khí quản bẩm sinh sẽ gây ách tắc đường thở, nguy hiểm tính mạng trẻ. Ảnh: Internet

Cũng theo VTV News, theo các bác sĩ, phần lớn các trẻ mổ tạo hình khí quản xong diễn biến sức khỏe tương đối thuận lợi, tuy nhiên vẫn cần theo dõi sát sao, giữ gìn trong 6-9 tháng đầu sau mổ để không gây tổn thương đường thở. Đồng thời, cần quay lại tái khám sau 3 tháng để các bác sĩ đánh giá mức độ hồi phục của trẻ, cũng như hướng dẫn các biện pháp chăm sóc tại nhà đúng cách.

Các bác sĩ khuyến cáo: Nếu trẻ sau khi ra đời, có tiếng thở khò khè khi thức và ngay cả khi trong lúc ngủ, đặc biệt là lúc hít thở vào sẽ có tiếng khò khè rõ do đường thở bị hẹp, thì cha mẹ có thể nghĩ đến nguy cơ trẻ bị hẹp khí quản. Cha mẹ nên đưa con đến các bệnh viện có chuyên khoa hô hấp trẻ em để được thăm khám, nội soi đường thở, chẩn đoán chính xác, đồng thời lên kế hoạch xử trí kịp thời, bảo vệ cuộc sống khỏe mạnh cho con.

Hẹp khí quản ở trẻ em nguy hiểm như thế nào?

Theo TS.BS Nguyễn Lý Thinh Trường, trong số các cháu bé mắc bệnh hẹp khí quản bẩm sinh thì có 60% có các triệu chứng tổn thương tim bẩm sinh kèm theo. Bởi hẹp khí quản sẽ dẫn trực tiếp đến việc suy hô hấp và khi đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tim mạch. Những trường hợp đó các bác sĩ cần phải làm phẫu thuật để sửa những tổn thương đi kèm.

Hẹp khí quản có các triệu chứng

Hẹp khí quản có thể tiến triển từ từ. Các triệu chứng và dấu hiệu sớm có thể bị nhầm lẫn với các rối loạn khác dẫn đến chậm trễ quá trình điều trị.

Hẹp khí quản thường có các biểu hiện như:

- Ho.

- Chứng xanh tím biểu hiện ở da và niêm mạc mũi, miệng.

- Khó thở hoặc khó thở khi gắng sức.

- Một số trường hợp biểu hiện như bệnh hen khó kiểm soát ở người lớn.

- Thường xuyên có những đợt nhiễm trùng đường hô hấp trên tái đi tái lại hoặc viêm phổi.

- Tiếng thở Tridor: Tiếng thở thì hít vào được gây ra do sự tắc nghẽn hẹp đường thở.

 

My My (t/h)