Phụ Nữ Sức Khỏe

Người đàn ông đầu tiên được ghép tim lợn thành công, mở ra kỷ nguyên mới của y học trong tương lai

Dẫn tin từ The New York Times, ông David Bennett, 57 tuổi, trở thành bệnh nhân đầu tiên trên thế giới được ghép trái tim của một con lợn biến đổi gene. Ca phẫu thuật kéo dài 8 tiếng ở Baltimore vào ngày 7/1, theo các bác sĩ phẫu thuật tại Trung tâm Y tế Đại học Maryland. Đây là ca ghép tim lợn thành công đầu tiên ở người, mang lại hy vọng cho hàng trăm nghìn bệnh nhân suy tạng.

 

Ảnh: University of Maryland School of Medicine

Đây được xem là điều chưa từng có tiền lệ trước đó trong lĩnh vực y học thế giới. Các bác sĩ Trung tâm Y tế Đại học Maryland cho biết, ca cấy ghép cho thấy quả tim từ động vật biến đổi gene có thể hoạt động trong cơ thể người mà không bị đào thải ngay lập tức.

Các nhà khoa học kỳ vọng những quy trình thế này sẽ mở ra kỷ nguyên mới của y học trong tương lai, giải quyết tình trạng thiếu hụt tạng hiến cho hơn nửa triệu người Mỹ.

“Đây là một ca phẫu thuật mang tính đột phá và đưa chúng ta tiến gần hơn đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng thiếu nội tạng. Tình hình lâu nay là không đủ tim người hiến tặng để đáp ứng nhu cầu của rất đông người đang chờ” - TS Bartley Griffith, người thực hiện ca phẫu thuật cấy ghép tim, cho biết trong một thông cáo.

Bác sĩ phẫu thuật ghép trái tim lợn cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế Đại học Maryland, Mỹ. (Ảnh: University of Maryland School of Medicine)

Bệnh nhân Bennett quyết định chọn phương pháp mới này bởi không còn lựa chọn điều trị nào khác. Nếu không được ghép tim, ông có thể tử vong. Thể trạng người bệnh cũng quá yếu để ghép tim từ người hiến chết não. Bệnh viện ở Maryland thông tin ngày 10/1 rằng bệnh nhân đang tiến triển tốt 3 ngày sau cuộc phẫu thuật.

Bệnh nhân được ghép tim lợn biến đổi gene sức khỏe ổn định. (Ảnh: University of Maryland School of Medicine)

Trái tim được ghép cho ông Bennett là của một con lợn đã được chỉnh sửa gene 10 lần. Các nhà khoa học đã loại bỏ hoặc bất hoạt 4 đoạn gene, gồm một gene mã hóa phân tử gây phản ứng thải ghép ở người. Một gene tăng trưởng bị bất hoạt để ngăn tim lợn tiếp tục phát triển sau khi cấy ghép, tiến sĩ Mohiuddin nói.

Lợn là một nguồn cung cấp nội tạng tiềm năng vì các bộ phận của chúng tương tự như của con người. Quả tim lợn tương đương kích thước của tim người. Những bộ phận khác của lợn như thận, gan và phổi cũng đang được nghiên cứu để cấy ghép cho người. Trước đó, các bác sĩ ở New York cũng đã ghép thành công quả thận của một con lợn biến đổi gene vào một người chết não.

Nam Phương (TH)