Phụ Nữ Sức Khỏe

Nghề 'múa lửa' của nhiều trẻ em ở TP.HCM: Bác sĩ chỉ rõ một loại bệnh nguy hiểm dễ mắc phải

Theo TS.BS Nguyễn Hải Công, Chủ nhiệm khoa Lao - Bệnh phổi (Bệnh viện Quân y 175) thông tin trên Zing News, cho biết có một thuật ngữ trong y học nói về tình trạng tổn thương hệ hô hấp, dẫn đến bệnh viêm phổi do biểu diễn múa lửa. Tình trạng này chủ yếu xảy ra khi bệnh nhân hít hay bị sặc dung dịch xăng, dầu lúc ngậm vào miệng trong quá trình biểu diễn múa lửa.

Ngoài những tổn thương phỏng miệng và cháy tóc, sâu bên trong còn là những hệ lụy đau xót. Ảnh: Zing

Ông Công lý giải xăng, dầu có đặc tính trọng lượng phân tử nhẹ, dễ bay hơi, sức căng bề mặt thấp. Khi bệnh nhân bị sặc xăng, dầu vào đường hô hấp, chất này sẽ khuyếch tán nhanh, gây tổn thương lớp nhầy của đường thở. Khi đó, xăng, dầu sẽ kích thích phản ứng viêm, gây tổn thương các niêm mạc, đặc biệt có thể gây tổn thương lan rộng màng phế nang mao mạch. Từ đó dẫn đến tình trạng viêm phổi, thậm chí phù phổi, suy hô hấp của người bệnh.

Bệnh viêm phổi rất nguy hiểm. Ảnh: Internet

Bác sĩ Công cho biết đơn vị từng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị viêm phổi do hít phải xăng, dầu. Một số triệu chứng như ho, khó thở, thậm chí ho ra máu, sốt do phản ứng viêm. Đặc biệt có trường hợp phải điều trị hồi sức do tình trạng viêm lan rộng ra hai phổi gây suy hô hấp cấp tính.

"Không nên ngậm hay biểu diễn xăng, dầu đối với cả người lớn lẫn trẻ em. Bởi đây là hóa chất độc hại, tiềm ẩn nguy hiểm khi người bệnh hít hay nuốt vào đường hô hấp", ông Công nói, đồng thời cho biết nếu nuốt xăng, dầu vào dạ dày có thể gây ngộ độc tiêu hóa, thấm vào máu gây tổn thương hay ngộ độc hệ thần kinh.

Ông Công cũng lưu ý những gia đình đang lưu trữ xăng, dầu, người lớn cần đặt các dung môi này ở chỗ xa tầm với, tránh khả năng trẻ em tiếp cận để bảo vệ an toàn.

Cũng theo thông tin từ Báo Tuổi Trẻ các yếu tố xác định mức độ nguy hiểm của một ca viêm phổi do hóa chất:

- Loại và mức độ độc hại của hóa chất.

- Môi trường khi tiếp xúc: Ngoài trời, trong nhà, lúc trời nóng hay trời lạnh.

- Thời gian tiếp xúc: Vài giây, vài phút, vài giờ.

- Dạng của hóa chất: Dạng khí, lỏng, hơi hay dạng hạt.

- Có biện pháp bảo hộ hay không.

- Tình trạng sức khỏe của bạn.

- Tuổi của bạn.

Ngậm xăng phun lửa tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh nặng. Ảnh: Zing

Tìm kiếm sự trợ giúp y tế

Nếu xảy ra bất cứ triệu chứng nào của viêm phổi hóa chất, hãy gọi cấp cứu để được sơ cứu khẩn cấp.

Việc nhận dạng được chất hóa học vô cùng quan trọng với bác sĩ và tính mạng nạn nhân để có những phương pháp chữa trị kịp thời nhất.

Cần phải đưa ngay lập tức nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu nếu thấy các dấu hiệu sau:

- Mất ý thức, bất tỉnh.

- Thấy da hoặc miệng xám lại.

- Khó thở.

- Thay đổi giọng nói.

- Tức ngực.

- Hơi thở ngắn.

- Ho ra máu hoặc chảy máu.

- Tâm thần kinh biến đổi.

- Từng tiếp xúc với hóa chất độc hại.

- Nôn và hít phải chất nôn.

Việc sơ cứu ở nhà trước cũng là một phần quan trọng trong điều trị:

- Nhanh chóng tránh xa khu vực hóa chất hoặc nơi bạn tiếp xúc với hóa chất. Nếu có thể thì nên cách ly khu vực để tránh hóa chất gây ảnh hưởng đến nhiều người. Khi rời khu vực đó hãy cân nhắc đến việc khử độc chẳng hạn cởi quần áo và tắm.

- Thông báo cho cơ quan chức năng để có biện pháp cách ly, xử lý.

- Xác định loại hóa chất.

- Gọi cấp cứu khẩn cấp, gọi cho cảnh sát hoặc cơ quan phụ trách về thiên tai thảm họa.

 

Hương Hương (t/h)