Phụ Nữ Sức Khỏe

Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường loại 2 và insulin mà bạn nên biết

Dưới đây là một số thông tin thực tế về vai trò của insulin trong cơ thể và các cách liệu pháp sử dụng insulin để kiểm soát bệnh tiểu đường loại 2.

Insulin rất quan trọng đối với sức khỏe

Insulin là một loại hoóc-môn được sản xuất bởi tuyến tụy, giúp cơ thể sử dụng và lưu trữ đường từ thức ăn.

Cơ thể của người mắc bệnh tiểu đường loại 2 sẽ không phản ứng hiệu quả với insulin. Tuyến tụy không thể bù đắp insulin đúng cách, dẫn đến giảm khả năng sản xuất insulin. Kết quả là lượng đường trong máu sẽ tăng cao. Theo thời gian, lượng đường trong máu cao có thể gây tổn thương dây thần kinh, mạch máu, mắt và các mô khác của cơ thể.

Liệu pháp insulin có thể giúp giảm lượng đường trong máu

Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường loại 2, thì việc kiểm soát lượng đường trong máu là một phần quan trọng để bảo vệ sức khỏe và giảm nguy cơ biến chứng lâu dài. Để giúp giảm lượng đường trong máu, bạn có thể thử các liệu pháp sau: thay đổi lối sống, sử dụng thuốc uống, liệu pháp tiêm insulin, phẫu thuật giảm cân.

Liệu pháp insulin có thể giúp nhiều người mắc bệnh tiểu đường loại 2 kiểm soát lượng đường trong máu và giảm các nguy cơ biến chứng khác.

Các loại insulin

Insulin  được chia thành hai loại:

  • insulin tác dụng ngắn được sử dụng trong bữa ăn
  • insulin tác dụng kéo dài, hoạt động giữa các bữa ăn và qua đêm

Không phải tất cả mọi người đều cần cả hai loại insulin nói trên và đơn thuốc insulin nên được kê riêng cho từng người tùy thuộc vào nhu cầu của họ.

Insulin có hai dạng tiêm và hít, insulin không thể dùng ở dạng viên uống vì các enzym tiêu hóa sẽ phân hủy insulin trước khi cơ thể có thể sử dụng loại hoóc-môn bổ sung này. Thông thường, người mắc bệnh tiểu đường nên tiêm insulin vào mỡ bụng, đùi, mông hoặc bắp tay.

 Lối sống và cân nặng ảnh hưởng đến nhu cầu insulin

Thực hành các thói quen lành mạnh có thể trì hoãn quá trình điều trị bằng insulin. Nếu bạn đã bắt đầu điều trị bằng insulin, việc điều chỉnh lối sống có thể giúp giảm lượng insulin cần dùng. Bạn có thể thay đổi lối sống bằng cách giảm cân, điều chỉnh lại chế độ ăn uống và tập thể dục thường xuyên.

Insulin có thể gây ra tác dụng phụ

Trong một số trường hợp, bạn có thể có các tác dụng phụ do insulin gây ra, chẳng hạn như: Lượng đường trong máu thấp, tăng cân, đau hoặc khó chịu tại chỗ tiêm, nhiễm trùng tại chỗ tiêm hoặc phản ứng dị ứng tại chỗ tiêm.

Lượng đường trong máu thấp, hoặc hạ đường huyết, là một trong những tác dụng phụ tiềm ẩn nghiêm trọng nhất khi dùng insulin. Nếu bạn gặp bất kỳ tác dụng phụ nào khi dùng insulin, hãy đến thăm khám ở các cơ sở y tế.

Theo Healthline

Anh Vy (dịch theo Healthline)