Phụ Nữ Sức Khỏe

Mách bạn cách làm xôi ngũ sắc vừa ngon vừa đẹp cho ngày Tết cổ truyền

Chị em nội trợ hãy bỏ túi cách làm xôi ngũ sắc dưới đây để chuẩn bị món ăn hấp dẫn cho mâm cỗ đón Tết thêm hấp dẫn.

1. Nguyên liệu

Để có món xôi ngon bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau:

- Gạo nếp: 2kg.

- 200gr lá cẩm đỏ và 200gr lá cẩm tím: Đối với xôi màu đỏ và màu tím.

- Nghệ tươi hoặc bột nghệ: Đối với xôi màu vàng.

- 300gr lá dứa (lá nếp): Đối với xôi màu xanh lá.

- Sữa đặc, đường cát trắng.

- Khuôn làm xôi (nếu có).

Lá cẩm cho màu xôi đỏ và xôi tím bắt mắt - Ảnh minh họa: Internet

2. Cách làm xôi ngũ sắc

Bước 1: Sơ chế nước màu ngâm gạo.

- Màu đỏ: Rửa sạch là cẩm đỏ, cắt khúc. Sau đó cho 1 lít nước vào nồi và đun sôi. Khi nước sôi, cho lá cẩm đỏ vào ngâm khoảng 2-3 phút, lọc lấy phần nước màu đỏ, để nguội.

- Màu tím: Làm tương tự như màu đỏ.

Lá dứa thơm cho xôi màu xanh lá - Ảnh minh họa: Internet

- Màu xanh lá: Rửa sạch lá dứa rồi ngâm trong khoảng 1 lít nước đun sôi. Ngoài ra, bạn có thể xay lá dứa ra sau đó cho nước vào rồi lọc lấy phần nước màu xanh.

- Màu vàng: Hòa tan bột nghệ với nước sôi rồi lọc lấy phần nước.

- Đãi sạch nếp, chia làm 5 phần đều nhau và lần lượt đổ các nước màu đã sơ chế vào 5 bát nếp đã chuẩn bị. Ngâm trong ít nhất 3 tiếng, để xôi đều màu bạn nên ngâm nếp với nước màu đã sơ chế qua đêm.

Bước 2: Cách chế biến.

- Chắt nước ở 5 bát nếp ra, để ráo nước.

Bột nghệ cho màu xôi vàng tự nhiên - Ảnh minh họa: Internet

- Trộn đều từng phần gạo với 1 lít sữa, 1 thìa đường để xôi ngũ sắc có vị ngọt và thanh.

- Sử dụng nhiều nồi nấu xôi cùng một lúc hoặc có thể dùng nồi to, dùng miếng tre đan ngăn giữa các màu xôi.

- Hấp xôi khoảng 30-40 phút.

Bước 3: Đơm xôi.

- Khi xôi đã chín dẻo, đơm xôi ra rổ rồi chuẩn bị ép khuôn.


Hấp xôi ngũ sắc trong khoảng 30 -40 phút - Ảnh minh họa: Internet

- Bạn nên dùng khuôn yêu thích để tạo hình dáng mà mình mong muốn khi xôi còn nóng bởi xôi sẽ kết dính tốt nhất.

- Trang trí sao cho đẹp mắt.

Một số lưu ý khi nấu xôi:

- Một số tình huống gặp phải là xôi bị khô ở trên, nhão ở dưới. Đây là do gạo quá nhiều hoặc nén gạo quá chặt làm bít lỗ thông hơi, không đủ hơi nóng để xôi chín đều. Vì vậy bạn cần dùng tay trải nhẹ nhàng từng lớp gạo, sau đó dùng khăn ẩm trùm bên ngoài cho nồi xôi luôn giữ nhiệt và không bị mất nước.

Xôi ngũ sắc bắt mắt cho ngày Tết cổ truyền - Ảnh minh họa: Internet

- Lượng nước cho vào nồi hấp chiếm khoảng 1/3 dung tích của nồi. Nước nhiều quá thì hơi nước sẽ bốc mạnh, xôi sẽ bị nát.

Rất đơn giản phải không nào? Bạn còn đợi gì mà không thử ngay món xôi dễ nấu này ngay hôm nay!

Thiên Cẩm (TH)