Phụ Nữ Sức Khỏe

Luôn cảm thấy buồn ngủ bất kể đã ngủ đủ 8 tiếng: Liệu có phải triệu chứng của bệnh nguy hiểm?

Buồn ngủ, mệt mỏi là triệu chứng thường gặp trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, nhiều người dù ngủ đủ giấc nhưng ngay sau khi thức dậy vẫn cảm thấy mệt mỏi, thèm ngủ đến mức không muốn làm gì.

Đâu là nguyên nhân gây ra triệu chứng buồn ngủ kể cả khi đã ngủ đủ 7-8 tiếng?

Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra hiện tượng trên:

Không luyện tập thể dục

Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta dành quá nhiều thời gian cho công việc mà “lãng quên” các hoạt động thể chất. Lối sống này gây hại cho sức khỏe khiến cân nặng tăng, dẫn đến trạng thái mệt mỏi và kiệt sức. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giấc ngủ, khiến cơ thể không sản sinh đủ năng lượng để duy trì nhịp sinh học.

Ảnh minh họa: Internet

Thiếu chất dinh dưỡng

Thực đơn ăn uống nghèo nàn, thiếu khoa học cũng ảnh hưởng tới trạng thái sức khỏe. Khi bạn tiêu thụ quá nhiều chất béo hay thực phẩm có hàm lượng carb cao sẽ gây ra cảm giác buồn ngủ.

Ảnh minh họa: Internet

Căng thẳng quá mức

Khi bạn phải đối mặt với nhiều căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến tâm trí và gây ra tình trạng thể chất mệt mỏi, buồn ngủ. Khi đối diện với stress, các cơ bắp sẽ trở nên căng cứng, điều này làm tiêu hao năng lượng, tổn thất dinh dưỡng, từ đó khiến bạn càng thấy mệt mỏi và buồn ngủ hơn.

Ảnh minh họa: Internet

Nhìn chung, các vấn đề liên quan đến giấc ngủ bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm hội chứng Jet Lag, làm việc ca đêm, ca làm việc trái với nhịp điệu giấc ngủ tự nhiên của cơ thể, hoặc ngủ trong chốc lát.

Một số người có thể cảm thấy mệt mỏi vì không ngủ đủ giấc, trong khi một số người khác mắc phải các vấn đề rối loạn về giấc ngủ, chẳng hạn như chứng ngưng thở khi ngủ, hội chứng chân không yên hoặc chứng ngủ rũ (Narcolepsy). Bên cạnh đó, những người có tính chất công việc đặc thù như thường xuyên làm ca đêm hoặc các ca luân phiên nhau cũng có thể bị mắc rối loạn giấc ngủ khi làm việc theo ca, được thể hiện rõ rệt với các cơn buồn ngủ quá mức trong lúc làm việc vào ban đêm, nhưng lại mất ngủ khi nghỉ ngơi vào ban ngày.

Ảnh minh họa: Internet

Ngủ nhiều nhưng vẫn buồn ngủ là dấu hiệu của bệnh gì?

Mỗi ngày, cơ thể chúng ta cần ngủ ít nhất khoảng 7 – 8 tiếng để duy trì sức khỏe. Tuy nhiên, nếu bạn đã ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày mà vẫn xuất hiện cảm giác buồn ngủ, thì đây có thể là dấu hiệu của các bệnh lý sau:

Mất ngủ kinh niên

Đây là bệnh lý khiến bạn buồn ngủ vào ban ngày nhưng tỉnh táo vào ban đêm. Nguy hiểm nhất là bạn có thể chìm nhanh vào giấc ngủ mà không thể kìm lại được. Mất ngủ kinh niên ảnh hưởng xấu tới não bộ, gây suy giảm trí nhớ và tập trung, đặc biệt, việc đột ngột đi vào giấc ngủ gây nguy hiểm khi tham gia giao thông, thậm chí còn là nguồn cơn dẫn đến suy nghĩ tiêu cực và mệt mỏi.

Mệt mỏi mạn tính

Hội chứng mệt mỏi mạn tính đặc trưng bởi sự mệt mỏi, kiệt sức và luôn cảm thấy buồn ngủ vào bất kỳ thời điểm nào. Sự mệt mỏi trở nên tồi tệ hơn sau khi bạn gắng sức, thậm chí còn gây ra các cơn đau nhức cơ bắp, tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Ảnh minh họa: Internet

Hội chứng Kleine-Levin

Hội chứng này khá hiếm gặp nhưng có thể gây ra các cơn buồn ngủ liên tục và quá mức. Tình trạng này có thể kéo dài trong nhiều ngày, nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng tại một thời điểm. Ngoài buồn ngủ, người bệnh còn gặp phải các triệu chứng như ảo giác hoặc có hành vi thái quá,...

Rối loạn nhịp sinh học

Nhịp sinh học là đồng hồ tự nhiên của cơ thể giúp điều phối các hoạt động theo ánh sáng và bóng tối. Nếu nhịp sinh học sai lệch, bạn có thể cảm thấy buồn ngủ vào những thời điểm không thích hợp. Rối loạn này có thể được điều trị bằng liệu pháp ánh sáng và bổ sung melatonin.

Ảnh minh họa: Internet

Những cơn buồn ngủ ập đến khiến bạn không đủ tâm trí để thực hiện bất cứ điều gì. Căn bệnh này không có thuốc chữa hữu hiệu nên bạn cần thay đổi các thói quen tích cực hơn để có thể khắc phục.

Theo Segye

Q.Duyên (Dịch)