Phụ Nữ Sức Khỏe

Luộc bánh chưng bằng pin vô cùng độc hại: Chuyên gia chỉ ra cách nhận biết để bảo vệ sức khỏe

Bánh chưng truyền thống

Gói bánh chưng vào dịp Tết Nguyên đán từ lâu đã là phong tục đẹp của người Việt. Mỗi khi Tết đến xuân về, người người, nhà nhà lại gói bánh chưng ăn Tết, dâng bánh lên bàn thờ tổ tiên.

Bánh chưng có màu xanh, được gói theo hình vuông lớn, tượng trưng cho đất. Sự kết hợp của bánh chưng xanh và bánh dày tượng trưng cho sự kết hợp và gắn kết của đất trời. Hơn hết, người Việt Nam gắn liền với văn hóa lúa nước, phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thiên nhiên, trong đó đất trời là yếu tố quyết định. Chính vì lẽ đó, người ta chọn dâng bánh chưng và bánh dày vào ngày Tết để thể hiện lòng biết ơn trời đất tạo điều kiện mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà ấm no hạnh phúc.

Bánh chưng biểu tượng của truyền thống văn hóa tốt đẹp. Ảnh: Internet

Đồng thời, vì ý nghĩa nhân sinh, ý nghĩa văn hóa và cả ý nghĩa tinh thần mà tục gói bánh chưng, bánh dày ngày Tết đã trở thành tục lệ cổ truyền. Cứ vào dịp 27, 28 Tết hàng năm, các gia đình đều tất bật chuẩn bị cho phần gói bánh chưng, bánh dày. Lúc này, ông bà cha mẹ anh em quây quần bên nhau, mỗi người phụ một tay để làm nên những cái bánh thật đẹp, thật ngon dâng lên ông bà tổ tiên trong ngày đoàn tụ sum vầy.

Bánh chưng luộc bằng pin bất chấp nguy hiểm

Theo Ths. Bs. Nguyễn Văn Tiến - Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ trên Báo Giáo dục và thời đại, nhiều người kinh doanh bánh chưng muốn sản xuất số lượng nhiều để bán ra thị trường, đã bất chấp sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, người tiêu dùng cần chú ý việc lựa chọn bánh chưng ngày Tết, bởi những chiếc bánh xanh đẹp, dẻo thơm trên thị trường thường có thể chứa nhiều hóa chất không tốt cho sức khỏe.

Chất độc được nhắc tới chính là pin. Môi trường chính trong những viên pin là môi trường kiềm. Trong môi trường này, diệp lục (chất tạo màu xanh cho lá cây) có trong lá dong gói bánh sẽ chuyển thành màu xanh đậm.

Đồng thời, kiềm còn giúp tinh bột hấp thụ nước tốt và trong hơn.

Do đó, nhiều người đã dùng pin để luộc bánh chưng, làm bánh chưng nhanh chín, hạt nếp trong, màu vỏ lá xanh và bắt mắt.

 Bánh chưng luộc bằng pin vô cùng độc hại. Ảnh: Internet

Ngoài ra, còn có những nguy cơ tiềm tàng ít được chú ý, đó là các kim loại nặng trong pin: Chì (PB), thủy ngân (Hg), cadmium (Cd) và asen hay còn gọi là thạch tín,… Đây là những chất cực độc, nguy hiểm cho não, thận, tim mạch và khả năng sinh sản của con người.

Cũng theo bác sĩ Tiến, cần chú ý tới màu sắc của bánh khi mua. Thời gian luộc bánh chưng thường 8 – 9 giờ mới chín, lớp lá bên ngoài thường ngả màu, hơi vàng hay xanh nâu. Bánh chưng luộc có pin mất ít thời gian hơn, vỏ ngoài có màu xanh mướt, ánh tím.

Nhận biết bánh chưng luộc bằng pin

Theo Báo Sức khỏe và đời sống, cách nhận biết bánh chưng xanh luộc bằng pin bạn có thể chú ý các chi tiết sau:

- Về vỏ lá bên ngoài: Nếu vỏ lá bên ngoài có màu ánh tím hoặc màu xanh mướt thì nhiều khả năng đó là bánh chưng luộc bằng pin. Còn đối với bánh chưng luộc theo phương pháp truyền thống, thời gian luộc khoảng tầm 8 - 10 giờ, lá thường ngả màu, hơi vàng và không thể xanh mướt được.

- Về vỏ bánh chưng: Với bánh chưng luộc bằng pin, vỏ bánh xanh rờn, nếp trong, bắt mắt hơn. Đối với bánh chưng luộc bình thường, vỏ bánh màu xanh nhạt hơn hoặc ngả thành màu hơi vàng. Nếp không được trong như bánh chưng luộc bằng pin.

Ảnh minh họa: Internet

- Về nhân bên trong: Bánh chưng luộc bằng pin không được dền, vì ép chín nhanh nên không được dẻo, thơm mùi vị đặc trưng giống như bánh chưng luộc thông thường.

Bên cạnh những cách nhận biết kể trên, trước khi mua, bạn nên kiểm tra thật kĩ vỏ bánh. Nếu vỏ bánh có chút đen, cầm lên không chắc chắn thì có khả năng da nấu chín quá nhanh bằng pin độc hại.

Cẩn trọng với bánh chưng luộc bằng pin. Ảnh: Internet

Để tránh mua phải bánh chưng luộc bằng pin bạn nên lựa chọn địa chỉ bán bánh uy tín, có thương hiệu hay mua tại những cửa hàng, siêu thị lớn. Nếu có điều kiện thì bạn nên tự gói bánh tại nhà vừa tạo không khí Tết đầm ấm vừa đảm bảo bánh chưng sạch, được luộc theo phương pháp truyền thống.

Bánh chưng muốn bảo quản được lâu thì bạn nên để ở chỗ thoáng mát, không bị ẩm, bụi bẩn để tránh bánh bị ôi thiu, mốc nhanh. Tùy theo điều kiện thời tiết, bạn cần bảo quản cho phù hợp.

Cách ăn bánh chưng tốt cho sức khỏe

Theo Lao Động, chúng ta nên lưu ý một số điều sau khi ăn bánh để tốt cho sức khoẻ.

- Ăn bánh chưng kèm với rau xanh

Bánh chưng chứa nhiều chất đạm từ đậu xanh, chất béo từ thịt mỡ và chất bột đường từ gạo nếp nhưng lại thiếu chất xơ, vitamin và các khoáng chất cần thiết cho cơ thể.

Do đó, để đảm bảo dinh dưỡng, bạn nên ăn kèm với rau xanh hoặc các loại dưa muối, dưa hành. Điều này không chỉ giúp cân bằng dinh dưỡng mà còn giúp bạn cảm thấy đỡ ngán hơn. Ngoài ra, sau khi ăn xong, bạn nên ăn nhiều trái cây để hạn chế lượng chất béo nạp vào cơ thể.

- Hạn chế ăn bánh chưng rán

Ngoài bánh chưng luộc, nhiều người còn có sở thích ăn bánh chưng rán vì mùi vị hấp dẫn và thơm ngon. Tuy nhiên, bánh chưng khi rán lên sẽ tích tụ rất nhiều chất béo, không tốt cho cơ thể. Nếu ăn nhiều, bạn sẽ dễ bị đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu và tăng cân nhanh.

- Nên ăn vào bữa sáng hoặc bữa trưa

Do bánh chưng chứa nhiều năng lượng, bạn chỉ nên ăn vào bữa sáng hoặc bữa trưa, khi cơ thể còn nhiều hoạt động khác giúp tiêu hao năng lượng. Nếu ăn vào bữa tối sẽ khiến bụng bị đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu…

- Không ăn bánh chưng mốc

Với bánh chưng mốc, nhiều người có thói quen gọt bỏ phần mốc, rán lên, bánh vẫn giữ được mùi thơm ngon đặc trưng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bạn nên tránh làm như vậy bởi tất cả các thực phẩm bị mốc đều sinh ra độc tố Aflatoxin. Loại độc tố này nếu tích tụ trong thời gian dài có thể gây ra những bất lợi cho cơ thể.

N.L (t/h)