Phụ Nữ Sức Khỏe

Không phải cứ ông bà dặn dò là tốt: Bác sĩ cảnh báo cha, mẹ nên tránh xa 6 mẹo dân gian nguy hiểm sau

Dù đã có nhiều khuyến cáo từ các chuyên gia và y bác sĩ, nhưng một số gia đình vẫn giữ quan niệm dân gian để chữa bệnh cho con trẻ. Nhiều trường hợp phải nhập viện cấp cứu và dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Hãy cùng Bách hoá XANH tìm hiểu 6 mẹo dân gian nguy hiểm gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của mẹ và bé nhé!

1. Nằm than để giữ ấm sau sinh

Theo dân gian truyền miệng, mẹ và bé cần duy trì thói quen nằm than sau sinh để giữ ấm cơ thể trong mùa lạnh. Đây là quan niệm sai lầm có thể gây hại sức khỏe cho cả mẹ và con. Than sau khi được đốt lên sẽ tạo ra khí CO và CO2.

Hàm lượng khí này nhiều đến mức có thể gây ngạt thở, ngộ độc khí CO, thậm chí là tử vong. Đối với trẻ sơ sinh, hệ hô hấp của chúng còn khá yếu. Do đó, cách này cực kỳ ​​ảnh hưởng xấu đến hệ hô hấp và sự phát triển của con trẻ.

Ảnh minh họa: Internet

2. Tỉa lông mi để trẻ có đôi mi cong dài, đẹp hơn

Bạn vẫn nghĩ rằng việc tỉa lông mi sẽ giúp bé có có đôi mi cong dài và đẹp hơn. Có lẽ, bạn đã vô tình hiểu sai về chức năng của lông mi. Đây là 1 bộ phận quan trọng trên cơ thể giúp bảo vệ đôi mắt của bé trước khói, bụi, mồ hôi,...

Một số bệnh số các bệnh về mắt khi tỉa lông mi phải kể đến như viêm kết mạc, viêm giác mạc,... Thêm vào đó, việc tỉa lông mi khiến bé khó chịu và không nằm yên. Điều này vô tình khiến kéo sắc làm tổn thương da và mắt của trẻ.

Ảnh minh họa: Internet

3. Kiêng tắm khi bị thủy đậu

Khi được hỏi thủy đậu kiêng gì thì không ít phụ huynh đã trả lời rằng nên kiêng nước. Vậy quan niệm này có đúng không? Theo các chuyên gia khuyến nghị người bị thuỷ đậu thì không cần kiêng nước. Ngược lại, tắm rửa vệ sinh thường xuyên sẽ giúp tránh vi khuẩn tích tụ gây nhiễm trùng da.

Bạn chỉ cần kỳ cọ nhẹ nhàng, tránh chà xát vào da của trẻ để không làm vỡ các bọc mụn gây nhiễm trùng. Lưu ý, bạn nên tắm cho trẻ nơi kín gió, tắm bằng nước sạch và cho trẻ mặc quần áo thoải mái.

Ảnh minh họa: Internet

4. Bôi kem đánh răng lên vết bỏng

Đối với các vết bỏng mới, các mẹ thường dùng kem đánh răng để bôi lên. Hầu hết, các loại kem đánh răng hiện nay có chứa kiềm. Khi vết bỏng tiếp xúc với chất này càng khiến phần da bị phồng rộp nước nặng thêm, cũng như gây khó khăn trong quá trình điều trị.

Nếu bị bỏng, bạn nên rửa vết bỏng dưới vòi nước lạnh khoảng 10 - 15 phút, sau đó ngâm vết thương vào nước sạch, rồi bôi thuốc trị bỏng chuyên dụng cho bé. Trường hợp bỏng nặng, bạn cần thăm khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất để được điều trị đúng cách sau khi thực hiện các bước sơ cứu.

Ảnh minh họa: Internet

5. Nhỏ nước tỏi vào mũi để trị ngạt mũi

Nhiều tài liệu khoa học cho thấy chất allicin trong tỏi có thể phòng ngừa và điều trị cảm cúm. Dù vậy việc nhỏ nước tỏi vào mũi để chữa bệnh cúm, nghẹt mũi,... là điều chưa được chứng minh. Theo Tiến sĩ Dana Crosby, chủ tịch Khoa Tai Mũi Họng của Đại học Y khoa Nam Illinois cho biết nước tỏi có thể gây ra phản ứng viêm da khiến niêm mạc bị kích thích. Từ đó, khoang mũi của bạn sẽ chứa đầy chất nhầy và khá khó chịu cho cơ thể.

Vốn dĩ, trẻ em có màng mũi mỏng và nhạy cảm. Khi nhỏ nước tỏi vào mũi, sự cay nóng của tỏi có thể làm bỏng rộp niêm mạc mũi của trẻ, thậm chí là hoại tử da.

Ảnh minh họa: Internet

6. Ngửa đầu ra sau để trị chảy máu cam

Khi chảy máu cam, việc đầu tiên bạn làm là ngửa đầu ra sau để ngăn máu chảy ra ngoài. Theo các bác sĩ khuyến cáo, hành động này khiến bạn dễ nuốt máu vào bụng và gây nôn ói.

Tốt nhất là bạn nên cho trẻ ngồi xuống, kẹp mũi và nghiêng người về phía trước để máu không thể chảy ngược vào cổ họng. Mẹ nên dùng bông gạc rịt vào nơi chảy máu để cầm máu cho bé. Lưu ý tránh cho trẻ hoạt động nhiều vì sẽ làm máu cam chảy ra nhiều hơn.

Ảnh minh họa: Internet

Trên đây là 6 mẹo dân gian mà cha mẹ nên tránh xa để không gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ. Hãy tham khảo và điều chỉnh cách chăm sóc bé yêu nhà bạn tốt hơn nhé! Cảm ơn bạn đã theo dõi!

Q.Duyên (t/h)