Phụ Nữ Sức Khỏe

 Khối bướu choán lấy vùng cổ người phụ nữ 41 tuổi vì áp xe tuyến giáp do tự ý đắp thuốc nam

 

Cụ thể, thông tin từ Zing cho hay, khoảng một tháng trước khi nhập viện, nữ bệnh nhân T.T.T. (41 tuổi, sống tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) phát hiện bướu nhỏ sờ cộm trước cổ đã mua thuốc nam về uống và đắp liên tục trong hơn 2 tuần.

Đến khi phát hiện kích thước bướu tăng nhanh, sưng to, gây đau, sốt, chị T. mới ngừng đắp thuốc và đến bệnh viện thăm khám. Tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, chị được chẩn đoán bị áp xe tuyến giáp.

Chị T. sau đó được can thiệp phẫu thuật để nạo hút ổ áp xe, đặt dẫn lưu và sử dụng kháng sinh điều trị sau mổ. Sau một tuần, người bệnh được xuất viện. Tuyến giáp và vết mổ lành tốt, kết quả xét nghiệm bilan nhiễm trùng, chức năng tuyến giáp ổn định.

Cổ bệnh nhân sưng to trước khi mổ. Ảnh: Zing

Áp xe tuyến giáp là bệnh lý ít gặp tại tuyến giáp, có thể xuất hiện trên tuyến giáp bình thường hoặc có bướu tuyến giáp trước đó.

Theo bác sĩ chuyên khoa I Dương Văn Ninh, khoa Ung bướu, một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng này là đắp các loại thuốc không rõ nguồn gốc hay tác dụng dược lý, từ đó gây ra những tổn thương viêm, sau đó hóa áp xe cho tuyến giáp.

Bệnh nhân bị áp xe tuyến giáp đến khám thường đến khám khi xuất hiện các triệu chứng nặng nề như sốt, sưng, nóng, đỏ, đau tại tuyến giáp (hội chứng nhiễm trùng), khó nuốt, nuốt vướng, nghẹn.

Những bệnh nhân này có kết quả xét nghiệm bilan nhiễm trùng tăng (tăng bạch cầu trung tính, CRP, lắng máu), hormone tuyến giáp thay đổi khác nhau theo từng giai đoạn; siêu âm tuyến giáp có ổ giảm hồi âm, lợn cợn không đồng nhất tại tuyến giáp.

Khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết cô phát hiện có bướu nhỏ sờ cộm trước cổ khoảng 1 tháng trước khi nhập viện nhưng không đi khám. Ảnh: Giáo dục thời đại

 

Theo Báo Giáo dục thời đại, được biết, sau mổ, sức khỏe bệnh nhân ổn định, chức năng tuyến giáp ổn định.

Từ trường hợp nói trên, BS. Dương Văn Ninh, Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang cảnh báo: “Chúng ta thấy rằng việc bệnh nhân đi khám bốc thuốc không rõ nguồn gốc trong khi chưa rõ bệnh, đắp thuốc trong thời gian dài gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không kịp điều trị sẽ để lại di chứng, hậu quả nặng nề về sau. Y học dân tộc hay y học hiện đại đều sẽ đạt hiệu quả cao trong điều trị khi chúng ta biết rõ về bệnh sinh và sử dụng đúng thuốc, đúng mục đích, bởi vì tất cả các loại thuốc đều là con dao hai lưỡi”.

Lam Lam (t/h)