Những người mắc hội chứng người sói thường có nhiều lông hơn bình thường. Trên thế giới chỉ khoảng 50 người mắc phải tính từ thời trung cổ. Thông thường, hội chứng này được phân chia thành 2 loại: bẩm sinh và sau khi sinh, thường hay bị nhầm với chứng rậm lông. Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra cách chữa trị dứt điểm hội chứng người sói, chủ yếu là giải quyết tạm thời bằng cách tẩy lông.
Hội chứng người sói là gì?
Hội chứng người sói hay còn gọi là Hypertrichosis, bệnh do sự phát triển bất thường của râu, tóc và các khu vực khác trên cơ thể, nhìn giống như lông sói. Hội chứng này khiến người bệnh chịu sự kỳ thị nặng nề về vẻ ngoài dị thường. Để hòa nhập, những người bệnh mắc hội chứng người sói thường xuyên phải tẩy và cạo lông dẫn đến dễ bị viêm hoặc hình thành sẹo. Ngoài ra, có thể sử dụng tia laser cũng là một cách hiệu quả khắc phục hội chứng này.
Nguyên nhân hội chứng người sói
Theo các nhà khoa học, nguyên nhân gây ra hội chứng người sói có thể là do yếu tố di truyền về gen, gây đột biến nhiễm sắc thể. Còn những người sinh ra bình thường, nhưng trong quá trình lớn lên bị hội chứng người sói thì có thể là do mắc bệnh ung thư, rối loạn tiêu hóa làm mất cân bằng nội tiết tố hoặc do tác dụng phụ của một số loại thuốc nhất định.
Bệnh hội chứng người sói sẽ có những biểu hiện điển như người nhiều lông, đen và rậm. Lông có thể mọc ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể như tay, chân, mặt, lưng, ngực... Trường hợp đầu tiên ghi nhận xuất hiện dấu hiệu bệnh người sói là Petrus Gonsalvus (1648) ở quần đảo Canary. Theo ghi chép thời đó, hai con gái, một con trai và một người cháu trong gia đình Gonsalvus đều mắc bệnh người sói. Khi ấy, họ bị người dân trong vùng làm dấu, cầu nguyện và nguyền rủa như thể là quỷ dữ, còn những kẻ lạ mặt thì chế giễu, gọi là người ngoài hành tinh. Đặc biệt, những người phụ nữ bị hội chứng người sói, có bề ngoài lông lá gặp khó khăn trong việc lập gia đình và chật vật tìm kiếm việc làm.
Hội chứng người sói ở Việt Nam
Ở Việt Nam, người mắc hội chứng người sói đầu tiên được phát hiện là bé Hoàng (12 tuổi, ở xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình). Từ khi mới sinh ra, bé đã khác hoàn toàn với những đứa trẻ cùng tuổi, nước da nâu sậm, xám xịt và cơ thể được bao phủ bởi một lớp lông rậm. Càng lớn lên, nhìn bé càng giống người sói vì lớp lông đậm màu hơn và lan khắp lưng, bả vai, cổ.
Bé đã được gia đình mang đến bệnh viện để thăm khám và chẩn đoán. Cơ sở y tế xác nhận bé Hoàng bị hội chứng người sói, gia đình càng bàng hoàng khi biết đây là căn bệnh chưa tìm ra cách chữa. Sau đó, bé Hoàng và mẹ phải sống cách ly trong một căn nhà nhỏ, cách biệt với những người thân.
Cha bé Hoàng nhìn thấy con mặt đầy lông cũng hoảng sợ và bỏ đi. Từ đó, bé trở nên sống tự ti và khép kín. Mỗi khi có người nhắc đến từ “người sói” hay người rừng là bé lại bật khóc và muốn bỏ học. Mùa đông thì đỡ, vào mùa hè lớp lông luôn làm bé nóng nực, ngứa ngáy và khó chịu.
Trường hợp thứ 2 ở Việt Nam là bé trai tên Phong (6 tuổi) ở tỉnh Quảng Ngãi. Cũng như bé Hoàng, khi sinh ra bé Phong đã có một nốt đen trên lưng. Sau đó, nốt đen lớn dần và lan rộng ra khắp cơ thể. Gia đình lo lắng và nhanh chóng đưa bé Phong đi viện, đến các cơ sở y tế lớn thăm khám, tuy nhiên vẫn không tìm ra nguyên nhân và cách điều trị. Vậy nên, bé Phong đành phải sống chung với những đám lông ấy.
Trường hợp thứ 3, năm 2017, ở Cà Mau ghi nhận trường hợp bé gái Đỗ Thị Ngọc Bích (5 tuổi) xuất hiện tình trạng mọc lông bất thường trên cơ thể và được chẩn đoán mắc hội chứng người sói. Mẹ của bé chia sẻ, từ khi sinh ra, bé có cái bớt đen trên má nhỏ bằng đầu ngón tay út. Vì thế không ai chú ý, cứ tưởng đó là một cái nốt ruồi nhỏ. Tuy nhiên, khi bé càng lớn lên thì cơ thể càng xuất hiện nhiều đốm đen ở trên lưng sau đó lan rộng ra khắp cơ thể. Những đám lông nhanh chóng mọc dài, rậm khiến bé nổi mụn nước to. Những mụn nước vỡ ra rồi chảy máu khiến bé vô cùng đau đớn.
Hội chứng người sói ở trên thế giới
Khác với những trường em bé bị kỳ thị ở Việt Nam, tại Indonesia, cậu bé Muhammad Raihan, 13 tuổi, sống tại ngôi làng Mamburung, tỉnh Bắc Kalimantan cũng mắc hội chứng người sói, toàn bộ cơ thể được bao phủ bởi một lớp lông đen dài. Sự khác thường này đã giúp Raihan được người dân trong làng tôn sùng như vị thần khỉ Hanuman của Đạo Hindu và xem như một món quà của Thượng đế. Bản thân cậu cũng cho rằng mình được Thượng đế phù hộ, vì thế, không muốn phải chữa trị, cảm thấy hạnh phúc với những gì mình đang có. Trong gia đình, ngoài Raihan, các anh chị em khác không ai bị mắc chứng bệnh giống cậu bé.
Ở Thái Lan, năm 2010, Supatra “Nat” Sasuphan, cô gái đã được Kỷ lục Guiness thế giới ghi nhận là đứa trẻ nhiều lông nhất. Không hề tự ti mà cô bé tự hào vì hội chứng người sói khiến bản thân trở nên đặc biệt. Mặc dù tình trạng bệnh không thuyên giảm nhưng cô bắt đầu cạo lông trên mặt và cơ thể, đồng thời đã kết hôn với mối tình đầu của mình.
Hầu hết các trường trên đây là do bẩm sinh, nhưng thế giới cũng đã ghi nhận, hội chứng người sói còn do nguyên nhân bị nhiễm độc. Cụ thể là, có một em bé 16 tuổi ở Costa del Sol, Tây Ban Nha bỗng dưng mọc lông, tóc khắp người vì uống thuốc điều trị chứng trào ngược dạ dày nhiễm chất kích thích mọc tóc. Tổ chức y tế Tây Ban Nha cũng khẳng định, những đứa trẻ ở nước này có biểu hiện bất thường sau khi uống omeprazole, một loại thuốc điều trị trào ngược dạ dày và khó tiêu.
Tất cả số thuốc này bị nhiễm độc minoxidil có tác dụng kích thích mọc tóc. Vì vậy, cơ quan Quản lý Thuốc và Sản phẩm y tế Tây Ban Nha đã vào cuộc, ban hành lệnh thu hồi, đồng thời dừng lưu thông một số lô hàng thuốc liên quan. Nguồn gốc của số thuốc này là do Công ty Dược phẩm Farma-Quimica Sur nhập từ Ấn Độ. Sau đó, công ty này đã bị tước giấy phép, cấm không được sản xuất, nhập khẩu hay phân phối thuốc.
Theo cơ quan y tế Tây Ban Nha, sau khi ngừng sử dụng thuốc do Công ty Dược phẩm Farma-Quimica phân phối, các triệu chứng mọc lông cũng giảm đi. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho người đã sử dụng, chắc chắn rằng không xảy ra tác dụng phụ gì khác, các bác sĩ vẫn khuyến cáo cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện để kiểm tra lại và cần thường xuyên đi kiểm tra định kì.
Hiện nay, không có một phương thức triệt lông nào phù hợp với tất cả các phần cơ thể mà phụ thuộc vào diện tích, mức độ, tuổi bệnh nhân mà lựa chọn cách tẩy phù hợp. Theo đó, phương pháp điều trị bao gồm các quy trình thẩm mỹ, tẩy trắng, cắt tỉa, cạo râu, nhổ lông, tẩy lông bằng hóa chất, tẩy lông bằng điện và tẩy lông bằng laser…
Hy vọng với những thông tin trên đây phần nào đã giúp các bạn hiểu hơn về hội chứng người sói, để từ đây có cách nhìn nhận đúng, tránh kỳ thị, giúp người bệnh vượt qua được sự tự ti và tự tin hơn trong cuộc sống.