Phụ Nữ Sức Khỏe

Học sinh nhập viện vì stress trước kỳ thi tốt nghiệp, chuyên gia nói gì?

Theo báo Giao Thông, Ths. BS. Đỗ Thùy Dung, Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai cho biết, mới đây, một nam sinh tên V.H.P. (18 tuổi, sống ở Hà Nội) được cha mẹ đưa đến khám trong tình trạng luôn có cảm giác lo lắng, chóng mặt. Qua tìm hiểu, nam sinh vốn sống trong gia đình hòa thuận, tuy nhiên bản tỉnh khá nhút nhát, hay lo lắng và thiếu tự tin.

Mẹ bệnh nhân cho biết, khi học cấp 1 sức học của P chỉ mức trung bình. Muốn con có môi trường học tập tốt hơn nên gia đình chuyển P. vào học cấp 2 ở trường quốc tế. Tuy nhiên, khi bước vào môi trường mới, tự ti vì gia đình không bằng các bạn, nên P. thường xa cách, không tham gia hoạt động với bạn bè. Đến lớp 7, P. thường lo lắng, học giảm sút, nên đã được mẹ đưa đi khám BV Nhi TƯ với chẩn đoán rối loạn cảm xúc, được tư vấn chuyển môi trường học tập.

Sau khi chuyển về trường công lập, tình hình của P. có cải thiện hơn, nhưng bất cứ khi nào gặp mâu thuẫn hay các kỳ thi P. luôn sợ hãi, lo lắng. Ngay ở kỳ thi vào cấp 3, vì con lo lắng quá mức, gia đình phải đưa đi khám, được truyền dịch và ra viện.

BS. Dung cho biết, ở thời điểm hiện tại, đang chuẩn bị thì tốt nghiệp, theo chia sẻ của nam sinh là dự kiến thi học viện Ngân hàng. Tuy nhiên, 1 tháng nay, lại xuất hiện dấu hiệu hồi hộp trống ngực, căng thẳng, khó nhớ hay quên khi học, ngủ không sâu giấc.

“Mới đây do bệnh nhân thấy mệt mỏi, khó thở ở lớp, nên giáo viên thông báo cha mẹ đón về đưa đến viện. Tại viện, qua các bài test, xét nghiệm… bệnh nhân không có dấu hiệu hoang tưởng, chỉ cảm xúc lo lắng, giảm tập trung chú ý, không có biểu hiện sa sút chậm trí tuệ… chẩn đoán có hội chứng lo âu”, BS. Dung cho hay.

Sau 5 ngày điều trị tại viện bằng thuốc và trị liệu tâm lý, nam sinh P. đỡ lo lắng, căng thẳng. Bệnh nhân nhận thức ra vấn đề của mình hiện tại khá ổn định, đang học tập và được theo dõi theo đơn của bệnh viện.

Không ít trẻ mắc rối loạn lo âu, stress phải nhập viện điều trị trong thời gian ôn thi - Ảnh: báo Giao Thông 

Theo VietNamNet, Ths.BS Dương Minh Tâm  - Trưởng phòng Phòng Điều trị Rối loạn liên quan đến stress, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai - thông tin, stress là tình trạng đáp ứng về mặt cơ thể (tăng hưng phấn thần kinh tự trị) hoặc tâm lý (cảm giác khó chịu, căng thẳng, mất kiểm soát) đối với các yếu tố làm rối loạn sự cân bằng của cá thể và vượt qua khả năng thích nghi của cá thể.

Cũng theo Ths.BS Tâm, năm 2019 -2020, họ đã tiến hành 1 khảo sát, nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương với đối tượng là học sinh từ 10-19 tuổi trong vòng 6 tháng. 

Kết quả cho thấy, 55,6% số trẻ có sang chấn tâm lý (nguyên nhân do áp lực học tập chiếm 20%, áp lực gia đình 20,5%, áp lực từ quan hệ bạn trong trường 8,9%). Stress và trầm cảm gặp nhiều nhất ở lứa tuổi 14 và 17 phù hợp với tuổi ôn thi chuyển cấp.

Đặc biệt, Ths.BS Tâm nhấn mạnh, stress gặp nhiều hơn ở trẻ ngoan và học khá. Quá trình thăm khám, các bác sĩ cũng nhận thấy, số học sinh từ trường chuyên, lớp chọn đến khám do stress, căng thẳng nhiều hơn các học sinh ở trường bìnhh thường. Bác sĩ cũng tiếp nhận, thăm khám nhiều học sinh trường chuyên rạch chân, tay bằng dao lam, vật nhọn… do áp lực, stress.

Nguyên nhân được các bác sĩ thông tin, quá trình phỏng vấn cho thấy, trẻ ngoan, học lực khá thường nhận thức về áp lực nhiều hơn các bạn mải chơi, nhất là những áp lực vô hình khó giải thích. 

"Áp lực vô hình là khi trẻ cảm nhận được mong muốn, hi vọng của bố mẹ, thầy cô, mong ước của người khác. Từ đó trẻ áp đặt lên cho bản thân mình. Điều này liên quan văn hóa của người Việt. Ví dụ khi có con trai, bố mẹ thường khoác nhiều trách nhiệm như nối dõi tông đường, trụ cột gia đình… trẻ càng cảm nhận được áp lực, stress càng nhiều hơn" -  Ths.BS Tâm nhấn mạnh.

Đa phần học sinh, sinh viên đều chịu những áp lực, căng thẳng ở các mức độ khác nhau trong giai đoạn chuẩn bị thi, giai đoạn thi và sau khi thi.

Ths.BS Dương Minh Tâm - Ảnh: VietNamNet

Trưởng phòng Phòng Điều trị Rối loạn liên quan đến stress, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cũng đưa ra các áp lực trẻ phải đối mặt khiến trẻ stress mùa thi.

Cụ thể là áp lực học và thi (trước và trong quá trình thi) do chương trình học khó, quá nhiều thứ phải học. Học sinh thường gặp một số sai lầm như càng gần đến giai đoạn “nước rút” càng học nhiều. Sự vắt kiệt sức, cố gắng nhồi nhét gây căng thẳng quá mức và sĩ tử không tiếp thu thêm được. Áp lực sau thi thường liên quan đến kết quả thi.

Trẻ gặp áp lực ở trường có thể do từ mối quan hệ bạn bè phức tạp, ganh tỵ và mân thuẫn. Từ đây dẫn đến nguy cơ trẻ lạm dụng chất kích thích để giải quyết vấn đề. 

Áp lực từ gia đình có thể do sự thiếu quan tâm của cha mẹ, người thân. Bác sĩ dẫn chứng, có bố mẹ đưa con đi khám muộn. Kết quả con có vấn đề từ 3, 5 năm trước nhưng bố mẹ không phát hiện ra. Tại phòng khám, phụ huynh bật khóc, áy náy vì đã không quan tâm đến con. Ngược lại, sự quan tâm quá mức, kỳ vọng quá lớn cũng là áp lực vô hình đè nặng lên vai sĩ tử. 

“Hầu hết mọi người đều tin rằng phản ứng stress có hại, là điều nên tránh bất cứ khi nào có thể. Tuy nhiên, một số stress trải qua hàng ngày thực sự tốt cho chúng ta và tránh nó có thể có hại. Đó là thử thách giúp chúng ta ngày càng hoàn thiện và trưởng thành hơn”, Ths.BS Tâm nói.

́Cũng theo Ths.Bs Tâm, nếu cố gắng tránh các stress hoặc mong đợi người khác giải quyết vấn đề, bạn không học được các kỹ năng cần thiết để đối mặt với những thách thức hàng ngày trong cuộc sống. Theo thời gian, những điều này có thể khiến bạn cảm thấy bất lực và thường xuyên “căng thẳng” vì vậy cần có kĩ năng để ứng phó với stress.

Từ đó, bác sĩ đưa ra nguyên tắc 5 chữ R giúp giảm stress:

Recognition: Xác định nguyên nhân, nguồn gốc của stress, giáo dục và nâng cao nhận thức để trẻ vượt qua, thích ứng với stress

Relationships: Tìm kiếm sự giúp đỡ, hỗ trợ, trấn an.

Removal: Loại bỏ các yếu tố gây stress và các yếu tố kích thích.

Relaxation: Thư giãn thông qua các kỹ thuật như thiền, xoa bóp, tập thở…

Re-engagement: Tái tương tác thông qua tái tiếp xúc có quản lý.

Phương Chang (TH)