Phụ Nữ Sức Khỏe

F0 tự điều trị tại nhà bị bác sĩ mạo danh “lừa điều trị”, cận thận cảnh giác để tránh "tiền mất tật mang"

Số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam những ngày qua vẫn đang diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại. Hiện, Hà Nội có khoảng 25.000 ca dương tính với SARS-CoV-2 đang điều trị tại nhà và dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong những ngày tới.

Ảnh minh họa: Internet

Để hỗ trợ, chia sẻ thông tin về điều trị Covid-19 tại nhà cho người bệnh, nhiều hội nhóm đã được thành lập trên mạng xã hội. Trong đó, group “Nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà” dù mới lập được chưa đầy một tháng nhưng hiện đã có tới hàng chục nghìn thành viên được tư vấn, điều trị bệnh miễn phí.

Nhóm được lập ra hoàn toàn miễn phí, không bán bất cứ một loại thuốc hay vật tư y tế nào. Chính vì thế, nhóm nhận được rất nhiều sự ủng hộ và quan tâm từ những người bệnh đang điều trị tại nhà. Những câu hỏi liên quan đến Covid-19, các bác sĩ sẽ trả lời bằng cách bình luận phía dưới. Số điện thoại của các bác sĩ cũng được ghim lên đầu trang để tiện lợi cho người bệnh.

Ảnh minh họa: Internet

Dẫn tin từ VOV, lợi dụng các nhóm này, nhiều đối tượng xấu đã tung ra các chiêu trò lừa đảo bệnh nhân F0 đang cách ly tại nhà. Mới đây, một số người bệnh trong group “Nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà” phản ánh tình trạng một số đối tượng xấu mạo danh là bác sĩ và nhắn tin chèo kéo chữa bệnh.

Cụ thể, sau khi người nhà bệnh nhân đăng bài trong group để xin tư vấn của các bác sĩ thì những kẻ này liền bình luận vào bài viết và xưng là bác sĩ, giám đốc chuyên môn ở những bệnh viện lớn, sau đó tự động nhắn tin riêng cho người bệnh.

Ảnh minh họa: Internet

Chiêu trò, mánh khóe của các đối tượng dùng chính là nhấn mạnh vào những hậu quả lâu dài mà người bệnh phải chịu nhằm gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho người bị bệnh. Sau đó, sẽ đưa ra “phác đồ riêng” được cho là đã dùng để “điều trị khỏi cho nhiều người” nhằm tạo uy tín cho người bệnh.

Những kẻ lừa đảo này đều dùng nick facebook giả và giới thiệu là bác sĩ chuyên môn, giám đốc bệnh viện. Khi bị phát hiện, những kẻ này sẽ xóa bình luận trong bài viết và “lặn mất tăm”. Ngay sau khi nhận được thông tin tố giác từ người bệnh, các bác sĩ quản trị viên của đã xóa nick facebook mạo danh này ra khỏi nhóm và có bài viết cảnh báo tới người bệnh.

Ảnh minh họa: Internet

Các bác sĩ cho biết, những người bị bệnh đang điều trị tại nhà khi tham gia các group, cần xem các bài viết giới thiệu về bác sĩ trong group đó để có thể liên lạc và phải thật cảnh giác. Những người tự bắt chuyện làm quen thường là đối tượng không minh bạch rõ ràng, bởi các bác sĩ rất bận nên không có thời gian để tìm đến các bệnh nhân như vậy.

Để không bị mắc lừa, người bệnh cần cập nhập các thông tin từ các trang web chính thống từ các cơ quan nhà nước như Sở Y tế, Bộ Y tế và các bệnh viện uy tín hay những bác sĩ có thông tin rõ ràng.

Nam Phương (TH)