Phụ Nữ Sức Khỏe

F0 chuyển biến nặng tăng cao, Bệnh viện hồi sức COVID-19 lớn nhất TP.HCM tiếp thêm giường ICU điều trị

Theo thông tin của Zingnews, 10 ngày gần đây, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM tăng thêm nhiều F0 nặng. Mỗi ngày, đến khoảng 30-35 bệnh nhân được chuyển lên. Sau giai đoạn đỉnh điểm với quy mô hơn 800 giường điều trị F0, giờ đây, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 chỉ còn vỏn vẹn 150 giường.

Ngày 5/12, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 tái khởi động khoa 2B (khu tiếp nhận F0 nặng và nguy kịch) công suất 50 giường. Đơn vị này đang điều trị cho hơn 200 bệnh nhân Covid-19. Dự kiến, số lượng này có thể tiếp tục tăng nhiều hơn. Bệnh viện Hồi sức Covid-19 có nhiệm vụ hỗ trợ, tiếp nhận F0 nặng từ quận Bình Thạnh, quận 4 và TP. Thủ Đức.

Các bác sĩ cho biết, hầu hết bệnh nhân Covid-19 được chuyển đến đơn vị này có diễn biến nặng, nguy kịch và cần được hỗ trợ oxy. Đơn vị này đang điều trị cho 50 bệnh nhân thở máy, 40 trường hợp cần thở oxy dòng cao (HFNC). Hiện chưa có bệnh nhân nào cần can thiệp ECMO.

Với tình hình bệnh nhân nặng tăng nhanh trở lại, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đang gặp khó khăn lớn về nhân sự khi không còn y, bác sĩ chi viện và lực lượng tình nguyện viên hỗ trợ. Nhân lực chủ yếu chỉ đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện Trưng Vương.

Số lượng bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 tăng trở lại - Ảnh: Tuổi trẻ

Theo bác sĩ Trần Thanh Linh - Phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19, khoảng 1/3 số lượng bệnh nhân nặng là người không tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều. Nhóm bệnh nhân hơn 50 tuổi chiếm 70%, hều hết có nhiều bệnh lý nền phức tạp như huyết áp, đái tháo đường, suy tim...

"So với khoảng thời gian trước, F0 lớn tuổi và bệnh nền nhiều hơn, tuy nhiên, mức độ nguy kịch thấp và nhập viện không dồn dập. Chúng tôi sẽ mở rộng quy mô 300 giường trong tuần tới, sau đó tăng 500 giường để đáp ứng tình hình F0 nặng có thể tiếp tục tăng" - bác sĩ Linh chia sẻ.

TP.HCM vẫn là địa phương có số lượng F0 mới và tử vong cao nhất cả nước. Đặc biệt, số ca tử vong chưa có xu hướng giảm mạnh. Theo đánh giá của Sở Y tế TP.HCM, F0 tử vong tập trung ở nhóm người trên 50 tuổi, bệnh nền, chưa tiêm chủng, chưa được sử dụng thuốc kháng virus. Hạn chế F0 tử vong hiện là vấn đề cấp thiết được ngành y tế TP đề ra.

Theo BS Trần Thanh Linh, tiêm vắc xin là yếu tố quan trọng giúp các bệnh nhân giảm diễn tiến nặng, giảm các tổn thương phổi, tình trạng nặng chủ yếu đến từ bệnh nền sẵn có - Ảnh: Tuổi trẻ

Trao đổi với Tuổi trẻ, một trong những bệnh nhân trẻ tuổi tại khu ICU 2B là anh Nguyễn Thanh B. (ngụ TP. Thủ Đức). Anh cho biết, sau khi thành phố mở cửa, bản thân đã đi làm trở lại bình thường, không ngờ lại nhiễm COVID-19 và bệnh tình chuyển nặng nhanh đến vậy. 

"Cứ nghĩ tiêm vắc xin là an tâm rồi, không lường trước nguy cơ nhiễm bệnh. Giờ chỉ mong nhanh hết bệnh để được trở về với vợ con, ba ngày qua không có tin tức, thấy nhớ và lo cho gia đình hơn cả bản thân mình", anh Bình nghẹn ngào.

Tini (TH)