Phụ Nữ Sức Khỏe

Đồng Nai: Bắt gặp người đi gom xăng bán lẻ với giá khủng, nhiều người chen nhau đòi mua

Theo thông tin từ Báo Người Lao Động, một người đàn ông xách 3 can xăng 30 lít để bán. Nhiều người dân dừng lại, tranh nhau mua tạo nên cảnh chen lấn.

Đáng nói, người bán xăng này công khai bán tại một cửa hàng đã đóng cửa. Do cầu vượt quá cung nên thay vì xếp hàng hay phải chạy đi tìm kiếm địa điểm đổ xăng, nhiều người đã chấp nhận mức giá 30.000 đồng/lít, cao hơn giá thực tế khoảng 8 -10.000 đồng tại các cửa hàng lớn để đổ xăng tại đây.

 

 

Một địa điểm bán xăng giá lẻ. Ảnh: Người Lao Động

Anh Giang (nhà gần đó) chờ đợi, nài nỉ mãi mới mua được 30.000 đồng xăng. Anh than thở đã đi 5 cây xăng nhưng không đổ được, đành lòng mua ở đây chứ không còn cách nào khác. Can xăng dần được chiết vào bình đựng nhỏ lẻ và đổ vào xe cho những người mua, được thực hiện hoàn toàn bằng cách thủ công.

Ghi nhận về tình trạng này, cảnh sát PCCC tỉnh Đồng Nai thừa nhận ‘cầu vượt cung’ nên một số người tranh thủ đi gom xăng tại nhiều cửa hàng, chứa trong các can nhựa sau đó bán lại kiếm lời.

Người dân đổ xăng vào bình. Ảnh: Người Lao Động

Ngoài ra, cảnh sát PCCC lưu ý việc sang chiết giữa các can nhựa mà không sử dụng các thiết bị chuyên dụng là không đảm bảo an toàn, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, nguy cơ gây thiệt hại về người và tài sản là rất lớn. Việc tích trữ xăng, dầu gây cháy, nổ có thể bị xử lý hành chính, thậm chí là xử lý hình sự.

Theo thông tin từ Báo Dân Trí trước đó, hàng loạt trạm xăng dầu ở nhiều nơi bất ngờ ngừng bán. Cụ thể, tính đến chiều tối 10/10, có hơn 400 cửa hàng xăng dầu trên cả nước đóng cửa, ngừng hoạt động và gián đoạn nguồn cung, tập trung tại một số tỉnh, thành phố như TPHCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk… gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt người dân.

 

 

Các cây xăng đều hết hoặc chờ đợi rất lâu. Ảnh: Dân Trí

Với những cây xăng còn hoạt động, nhiều người lái xe, đẩy bộ xe máy nhưng phải kiên nhẫn chờ đợi rất lâu mới đến lượt. Có người hết xăng giữa đường những chỉ mua được tối đa 20.000 đồng.

Dừng xe bên đường, anh Lâm (30 tuổi, tài xế xe ôm công nghệ) ngao ngán cho biết, đây là cây xăng thứ 5 anh đến vẫn chưa được đổ xăng. Cô Mai (ngụ quận 3) năn nỉ cho đổ ít xăng đủ chạy về nhà nhưng nhân viên xua tay báo hết. "Xe tôi còn chạy được vài cây nữa, chắc phải dắt bộ hoặc kêu người nhà ra đón. Lần đầu tôi thấy cảnh này", cô Mai lắc đầu.

Vài ngày qua, cảnh xếp hàng, người và xe nối đuôi nhau hàng dài để chờ đổ xăng không còn xa lạ. Nhiều người ví chẳng khác tình trạng kẹt xe ở Sài Gòn. Tuy nhiên, việc phải chờ đợi đổ xăng như thế này khiến họ lo lắng và hoang mang hơn rất nhiều.

 

 

Các cây xăng báo đóng cửa. Ảnh: Dân Trí

Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân chính của tình trạng này là từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, các doanh nghiệp đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chủ yếu duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ; tình hình bão lũ vừa qua cũng ảnh hưởng một phần đến việc giao hàng của các doanh nghiệp, dẫn đến gián đoạn hoặc thiếu hụt nguồn cung cục bộ tại một số địa phương.

Hiện, bộ Công Thương đang tích cực xử lý, khắc phục kịp thời.

N.L (t/h)