Tết cổ truyền 2024
Tết Nguyên đán Việt Nam có ý nhĩa nhân văn vô cùng sâu sắc, thể hiện sự trường tồn cuộc sống, khao khát của con người về sự hài hòa Thiên - Địa - Nhân. Tết Nguyên đán là sự biểu hiện của mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên trong tinh thần văn hóa nông nghiệp; với gia tộc và xóm làng trong tính cộng đồng dân tộc; với niềm tin thiêng liêng, cao cả trong đời sống tâm linh…
Tết Nguyên đán biểu hiện sự giao cảm giữa trời đất và con người với thần linh. Xét ở góc độ mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Tết - do tiết (thời tiết) thuận theo sự vận hành của vũ trụ, biểu hiện ở sự chu chuyển lần lượt các mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông - có một ý nghĩa đặc biệt đối với một xã hội mà nền kinh tế vẫn còn dựa vào nông nghiệp làm chính.
Tết cũng là ngày đoàn tụ với cả những người đã mất. Từ bữa cơm tối đêm 30, trước giao thừa, các gia đình đã thắp hương mời hương linh ông bà và tổ tiên và những người thân đã qua đời về ăn cơm, vui Tết với con cháu (cúng gia tiên). Trong mỗi gia đình Việt Nam, bàn thờ gia tiên có một vị trí rất quan trọng. Bàn thờ gia tiên ngày Tết là sự thể hiện lòng tưởng nhớ, kính trọng của người Việt đối với tổ tiên, người thân đã khuất với những mâm ngũ quả được lựa chọn kỹ lưỡng; mâm cỗ với nhiều món ngon hay những món ăn quen thuộc của người đã mất.
Theo lịch vạn niên, ngày 30 tết Nguyên đán 2024 sẽ là thứ Sáu, ngày 9/2 dương lịch và mùng 1 tết Nguyên đán Giáp Thìn là thứ Bảy, ngày 10/2 dương lịch.
Những điều kiêng kỵ cần tránh trong ngày Tết
+ Không quét nhà, đổ rác vào ngày mùng 1
Vào ngày mồng 1 Tết, tuyệt đối không động đến cây chổi, bởi theo quan niệm truyền thống của người Việt, quét dọn nhà cửa và đổ rác trong ngày này là quét hết tài lộc trong năm mới ra khỏi nhà. Hơn nữa, sau khi quét nhà, người ta quan niệm phải cất chổi đi. Bởi nếu mùng 1 Tết bị mất chổi là điềm xấu, nghĩa là năm đó nhà sẽ bị trộm vơ vét mất hết của cải.
+ Không cho người khác lửa, nước đầu năm
Lửa theo phong thủy là tượng trưng cho sự may mắn còn nước tượng trưng cho tài lộc luôn chảy vào trong gia đình. Nếu như vào đầu năm mới, bạn cho lửa hoặc nước nghĩa là bạn cho đi sự may mắn của bản thân và gia đình.
+ Kiêng làm đổ vỡ đồ dùng
Đổ vỡ là một trong những điều kiêng kỵ trong ngày tết.
Ông cha ta rất kỵ làm vỡ bát đĩa, ly tách, gương trong ngày đầu năm vì đổ vỡ đó như báo hiệu sự chia cắt, đứt lìa, điều không thuận lợi trong các mối quan hệ trong năm mới.
+ Không vay hay đòi nợ
Đầu năm mới kiêng kỵ vay tiền, đòi nợ tiền bạc. Như vậy sẽ báo hiệu một năm đi vay rồi đi trả của mình, cả năm sẽ không thu được tiền tài vào nhà, rơi vào cảnh túng thiếu, nợ nần. Bên cạnh đó, nếu cho vay tiền đầu năm còn được quan niệm như "dâng" tài lộc của chính bản thân mình cho người khác.
+ Không cãi nhau vào mùng 1
Tết là thời điểm con cháu sum vầy, cả nhà đoàn tụ mong muốn niềm vui đến cho cả năm, nếu cãi nhau ngày đầu năm xem như cả năm của bạn sẽ gặp nhiều khúc mắc, không vui cho một năm.
+ Kiêng ăn nói xui xẻo, nói tục
Những lời nói trong năm mới cũng phải cẩn trọng vì năm mới chỉ mong may mắn đến nhà. Chính vì vậy những lời xui xẻo, nói tục dù là đùa vui cũng tuyệt đối không được nói ra kẻo cả năm mất vui.
+ Người có tang không nên xông đất
Theo quan niệm của người Việt, người xông đất đầu năm vô cùng quan trọng đối với gia chủ. Đây sẽ là người ảnh hưởng tới sự may mắn, tài lộc trong cả năm của gia đình. Theo ông bà, người có tang mà đi xông đất sẽ đem đến vận xui, điềm xấu cho gia đình khác. Chính vì vậy, những người có tang nên tránh xông đất, đi chúc Tết hay thăm hỏi gia đình khác.
Những điều nên làm vào ngày mùng 1 Tết để thêm may mắn
Dưới đây là những việc nên làm ngày mùng 1 Tết để hút tài lộc, may mắn
- Thắp hương ngày mùng 1 Tết
Kính nhớ tổ tiên là truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam. Trong ngày đầu năm mới, việc đầu tiên mà bạn cần làm là thắp hương để dâng cúng tổ tiên cầu xin họ phù hộ sang năm mới được bình an và gặp nhiều may mắn. Tuy nhiên, khi thắp hương trên bàn thờ tổ tiên trong ngày mùng 1 Tết, bạn nên thắp hương theo số lẻ là đẹp nhất. Không nên thắp hương theo số chẵn vì đây không phải là số đẹp.
- Mua muối đầu năm
Mua muối là một trong những việc làm mang lại may mắn trong sáng mùng 1 Tết. Từ xưa đến nay, cứ vào sáng ngày mùng 1 Tết là các bà, các mẹ lại mua muối của các cô bán muối dạo quanh làng. Đến ngày nay, khi các gánh muối dạo không còn nữa nhưng tập tục mua muối vào sáng ngày mùng 1 vẫn được các bà, các mẹ thực hiện. Mua muối dịp đầu năm là một việc làm tốt. Có thêm muối sẽ giúp cho gia đình một năm mới thêm mặn nồng và bền chặt hơn.
- Đi lễ chùa đầu năm
Người xưa quan niệm, vào dịp Tết hay đầu năm mới, nên đi lễ chùa cầu may, cầu xin đức phật từ bi hỉ xả phù hộ cho gia đình, bạn bè, cho những người thân yêu một năm đủ đầy, hạnh phúc, và gặp nhiều may mắn... Đi lễ chùa trong ngày đầu năm mới cũng là hoạt động mà các Phật tử thường làm trong sáng ngày mùng 1 Tết. Đây cũng là một trong những nét đẹp văn hóa tâm linh trong ngày Tết của người Việt. Các chùa thường mở cửa để người dân vào xin quẻ và hái lộc vào sáng ngày mùng 1. Đi chùa hái lộc dịp đầu năm còn là dịp để bạn du xuân vãn cảnh và thư giãn sau một năm làm việc đầy mệt mỏi.
- Xông đất đầu năm
Xông đất là việc mà nhà nào cũng làm trong buổi sáng mùng 1 Tết. Người Việt ta thường tin rằng người đầu tiên xông đất nhà mình sẽ là người mang lại may mắn, bình an và phú quý đến cho nhà trong năm mới. Vì thế mà có nhiều nhà thường chọn người để xông đất nhà mình. Người xông đất phải là người có tuổi đẹp hợp với năm đó và hợp với mệnh của chủ nhà.
- Tảo mộ đầu năm
Bên cạnh việc thắp hương để kính nhớ ông bà tổ tiên, nhiều gia đình còn ra tảo mộ trong buổi sáng ngày mùng 1 Tết để thể hiện lòng hiếu kính của mình. Đây cũng là dịp để cả gia đình nhớ về cội nguồn, tri ân người đã khuất và cầu xin tổ tiên phù hộ gia đình năm mới được bình an. Mỗi người đều có một cội nguồn để thắp hương thờ cúng, chính vì thế, hãy thể hiện lòng hiếu kính của mình qua việc tảo mộ để đón ông bà tổ tiên cùng ăn Tết với gia đình.