Phụ Nữ Sức Khỏe

Chuyên gia Y tế: Bao phủ ngay vaccine COVID-19, bảo vệ nhóm đối tượng nguy cơ, tránh  dịch bệnh bùng phát

Theo thông tin từ Báo Lao Động, trước diễn biến gia tăng ca mắc COVID-19 trong thời gian qua, đã có trường hợp người bệnh COVID-19 tử vong do có bệnh nền nhưng không tiêm, chưa tiêm đủ liều vaccine COVID-19 theo khuyến cáo, Bộ Y tế và các chuyên gia dịch tễ, truyền nhiễm... tiếp tục đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiêm vaccine cho người thuộc nhóm nguy cơ cao để bảo vệ chặt chẽ hơn nữa những đối tượng này trước diễn biến tăng về số ca mắc. Đặc biệt sau kì nghỉ lễ dài, lưu lượng người đi lại, du lịch, về quê gia tăng mạnh.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đặc biệt nhấn mạnh việc bảo vệ nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước COVID-19 như người già, trẻ em, người suy giảm miễn dịch, người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19. Người dân cần đeo khẩu trang, khử khuẩn và giữ khoảng cách tại khu vực nguy cơ để tránh gia tăng số ca bệnh. Điều này không chỉ giúp phòng COVID-19 mà còn cả các bệnh viêm đường hô hấp khác như cúm A, cúm B...

Đồng thời, người dân cũng cần tuân thủ theo lịch tiêm vaccine COVID-19 của Bộ Y tế. Ảnh: Internet

Đồng thời, người dân cũng cần tuân thủ theo lịch tiêm vaccine COVID-19 của Bộ Y tế.

TS Đặng Thanh Huyền - Phó trưởng Văn phòng chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cũng thông tin trên Lao Động - cho biết: Vaccine COVID-19 có hiệu quả trong phòng bệnh và các biến chứng do COVID-19 gây ra, giảm tỉ lệ mắc bệnh nặng và tử vong.

Hiện nay Tổ chức Y tế thế giới vẫn khuyến cáo các nước triển khai tiêm vaccine COVID-19, ưu tiên hoàn thành liều cơ bản đối với các đối tượng từ 5 tuổi trở lên và bao phủ trên diện rộng để đạt miễn dịch cộng đồng...

Do sự gián đoạn trong việc tiêm chủng định kì trên toàn cầu, các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine như sởi và bại liệt đang bùng phát ở một số quốc gia, đòi hỏi Bộ Y tế các nước phải có sự quan tâm khẩn cấp.

Bệnh nhân nhập viện gia tăng. Ảnh: Sức khỏe và Đời sống

Tại Việt Nam, WHO và UNICEF đang kêu gọi các nỗ lực bắt kịp tiêm chủng ở quy mô lớn cho tất cả trẻ em đã bỏ lỡ lịch tiêm chủng định kì trong khoảng thời gian xảy ra đại dịch, khôi phục độ bao phủ thiết yếu ít nhất là bằng với mức của năm 2019 để tránh bùng phát các căn bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine trong thời gian sắp tới.

Cũng theo ông Phu thông tin trên CAND, trong 4 ngày nghỉ lễ ghi nhận 17 ca COVID-19 tử vong, đây là những bệnh nhân nặng, đã nhập viện những ngày trước đó. Ca mắc tăng sẽ tăng ca nhập viện và tăng ca nặng. Để bảo vệ nguy cơ mắc và bệnh tăng nặng, người dân cần tuân thủ theo lịch tiêm vaccine của Bộ Y tế. Đặc biệt, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai là những đối tượng nguy cơ cao thì cần tiêm vaccine mũi bổ sung, mũi nhắc lại để bảo vệ được tốt hơn.

Tại TP Hồ Chí Minh các bệnh viện đã sẵn sàng kích hoạt, chuẩn bị thuốc, vật tư, cơ số giường để sẵn sàng điều trị COVID nếu số ca mắc gia tăng sau kỳ nghỉ lễ. CDC TP Hồ Chí Minh còn phối hợp với các đơn vị chức năng tại sân bay, bến xe, khuyến cáo cộng đồng thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch tại nơi công cộng, công tác kiểm soát thân nhiệt từ xa. Ngành Y tế TP Hồ Chí Minh sẵn sàng tham gia bệnh viện dã chiến nếu nó vận hành trở lại.

Sở Y tế Hà Nội cũng chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Y tế về việc tăng cường thu dung, điều trị ca bệnh COVID-19. Các bệnh viện xây dựng kế hoạch tiếp nhận, điều trị người bệnh COVID-19, kích hoạt giường điều trị được phân công theo tình hình diễn biến dịch bệnh.

Sở Y tế Hà Nội giao nhiệm vụ cho Bệnh viện Thanh Nhàn, chuyên khoa đầu ngành hồi sức cấp cứu và Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, đầu ngành truyền nhiễm rà soát nhân lực, trang thiết bị, quy trình chuyên môn… của mạng lưới hồi sức cấp cứu và truyền nhiễm đảm bảo đáp ứng tốt cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, tổ chức tập huấn, tập huấn lại về hồi sức cấp cứu và điều trị người bệnh COVID-19 cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố.

 

Thiên Bảo (t/h)