Phụ Nữ Sức Khỏe

Chuyên gia phân tích về tái nhiễm và tái dương tính với SARS-CoV-2: Khác nhau như thế nào?

Chia sẻ trên Người Lao Động, PGS-TS-BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Trưởng Bộ môn Nhi Trường ĐH Y Dược TP.HCM kiêm Trưởng Đơn vị Điều trị Covid-19 - Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), cho biết, thường tỉ lệ tái nhiễm là dưới 1%. Tái nhiễm xảy ra thường hơn 90 ngày sau nhiễm đợt đầu, khi thực hiện xét nghiệm RT-PCR cho kết quả CT thấp hơn 30 ít nhất 2 lần. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy phần lớn trường hợp tái nhiễm là không triệu chứng, tải lượng virus thấp hơn so với lần đầu, tử vong khi tái nhiễm là rất thấp.

covid-19 1
Ảnh minh họa: Internet

Thực tế cho thấy, trong số nhiều người mắc bệnh sau khi khỏi bệnh, trong vòng 3 tháng từ khi nhiễm, xét nghiệm RT-PCR vẫn có thể dương (thường CT trên 30). Những trường hợp này không gọi là bị nhiễm và không cần cách ly, điều trị gì cả. Vì khi xét nghiệm RT-PCR, độ nhạy của xét nghiệm này rất cao nên phát hiện kết quả dương tính chỉ là các phần mảnh ARN của virus (xác virus). Những ca tái dương tính này đều không lây nhiễm trong cộng đồng.

Khác với tái nhiễm, tái dương là khi 1 người nhiễm SARS-CoV-2, sau khi khỏi bệnh, bỗng một ngày xét nghiệm RT-PCR cho kết quả dương tính mà không có triệu chứng nào.

Tỉ lệ tái dương lên đến 14% và có thể xảy ra ở thời điểm 90 ngày sau nhiễm. Tái dương là do virus hay xác virus còn sót lại. Khi đem nuôi cấy, số virus này sẽ không mọc, không có sự nhân lên của virus và không có khả năng lây nhiễm.

Liên quan đến vấn đề này, Nhân dân thông tin thêm, ThS, BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, cơ sở chắc chắn nhất để khẳng định bệnh nhân tái nhiễm SARS-CoV-2 là họ từng mắc Covid-19, đủ tiêu chuẩn khỏi bệnh và có thời gian dài sạch virus. Các trường hợp này mắc bệnh lần thứ 2, nuôi cấy virus có phát triển. Qua đó, chúng ta có thể kết luận bệnh nhân mang virus sống thay vì mảnh xác tồn lưu từ lần nhiễm trước.

 

Thanh Thủy (TH)