Phụ Nữ Sức Khỏe

Chấp nhận kịch bản 'COVID-19 không thể bị xóa sổ', 10 điều cần biết để sống chung với dịch

Theo chia sẻ từ các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, đại dịch COVID-19 có khả năng tồn tại cùng chúng ta khi SARS-CoV-2 tiếp tục đột biến ở các quốc gia chưa được tiêm chủng và hy vọng tiêu diệt hoàn toàn virus này đang giảm dần. Vậy nên, thế giới sẽ phải sống chung với COVID-19 giống như bệnh cúm.

Dưới đây, TS.BS. Lê Thanh Hải chia sẻ cho bạn 10 điều cần chuẩn bị và tập rèn ngay từ bây giờ. 

1. Tiêm vaccine phòng COVID-19 

Vaccine phòng COVID-19 là cách tiếp cận và chuẩn bị chiến lược nhất hiện nay, có thể giúp phòng nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 một cách hiệu quả. Phương pháp này được ví von như "chìa khóa” đẩy lùi dịch COVID-19, là tấm áo giáo để “sống chung" với dịch.

Nếu đã tiêm vaccine, ngay cả khi mới được tiêm mũi 1, nếu không may bị nhiễm virus SARS-CoV-2, bệnh sẽ nhẹ hơn và khó chuyển nặng. Các vaccine ngừa COVID-19 đã được phê duyệt đều cho thấy hiệu quả, cần tiêm ngay dù là loại vaccine nào được nhà nước đưa vào triển khai.

dai dich covid 19
Tiêm vaccine ngay khi có cơ hội - Ảnh: Internet

2. Luôn giữ khoảng cách an toàn

Ngoại trừ những người sống chung trong nhà, hay những người quen, sinh hoạt làm việc chung hàng ngày cơ bản đã xác định an toàn theo hướng dẫn. Còn lại, bạn hãy tự luôn để mắt xung quanh và giữ khoảng cách an toàn theo khuyến cáo với mọi người.

3. Khẩu trang như vật bất ly thân để phòng ngừa phơi nhiễm SARS-CoV-2

Mặc dù, khẩu trang không phải là cách phòng ngừa tối ưu, nhưng việc đeo khẩu trang là biện pháp ngăn chặn giọt bắn chứa virus xâm nhập vào đường hô hấp của chính mình. Còn với người đang trong giai đoạn ủ bệnh, đeo khẩu trang có tác dụng cản trở phát tán của virus ra ngoài. Ngoài ra, có nhiều loại khẩu trang lưu hành hiện nay, bạn nên dùng những khẩu trang đã được khuyến cáo.

4. Xây dựng thói quen rửa tay đúng lúc, hạn chế đưa tay sờ lên mắt mũi miệng

Cả rửa tay bằng xà phòng và nước và dung dịch rửa tay khô đều cũng có thể được áp dụng. Nếu dùng đúng cách, tác dụng diệt vi trùng và mầm bệnh rất hiệu quả. Khi tập rèn thói quen rửa tay và đúng lúc, bạn sẽ ngăn chặn hiệu quả phơi nhiễm virus SARS-CoV-2 qua việc tiếp xúc và sờ nắm vào vật bẩn.

Chưa kể, bạn nên tạo thói quen hạn chế sờ tay lên mắt mũi miệng giúp tránh phơi nhiễm virus SARS-CoV-2.

dai dich covid 19 1
Rửa tay đúng lúc - Ảnh: Internet

5. Xây dựng thói quen súc rửa họng và mũi hàng ngày

Về bệnh sinh, các virus SARS-CoV-2 bám và có mặt nhiều trên niêm mạc mũi và họng. Loại trừ virus SARS-CoV-2 ở những vị trí vừa nêu là cách ngăn hiệu quả virus xâm nhập sâu vào phổi và phế nang. Hiện nay, có nhiều video hướng dẫn cách sục, súc họng và mũi của các các chuyên gia y tế, nên tải xem và tập ngay bây giờ.

Việc súc mũi họng 2-3 lần mỗi ngày như thói quen, ngoài ra cần súc mũi họng khi vừa tách ra từ một công việc có nhiều người tham dự, hoặc khi ra khỏi các cơ sở khám chữa bệnh hoặc vừa trở về nhà.

6. Rèn cách nín thở trong tình huống gặp người lạ

Bạn phải tập rèn nín thở như là một phản xạ có điều kiện. Ví dụ, khi đi ra đường, hay trong siêu thị, nhà hàng, công sở… không thể tránh khỏi người khác đi ngược và gần lại bạn, hay xuất hiện bất ngờ. Với các tình huống vừa nêu, bạn không thể giữ kịp khoảng cách theo khuyến cáo, vậy cách tốt nhất là nín thở và di chuyển nhanh ra xa và giữ khoảng cách an toàn.

Sau một thời gian tự rèn, nín thở khi có một người lạ xuất hiện gần, và chỉ nín thở trong vài giây là không khó và dần hình thành một phản xạ có điều kiện cho riêng bạn hết sức tự nhiên.

7. Tự học cách làm test nhanh kháng nguyên COVID-19 khi cần thiết

Khi đã chấp nhận sống chung, bạn không nên chủ quan về việc phơi nhiễm virus SARS-CoV-2. Cảnh giác bằng cách, hãy tự học theo hướng dẫn và sử dụng test nhanh tìm kháng nguyên virus SARS-CoV-2 khi bạn thấy nghi ngờ hoặc được cảnh báo.

Tốt nhất, bạn nên sử dụng các test nhanh kháng nguyên COVID-19 đã được Bộ Y tế phê duyệt. Nếu có kết quả dương tính, cần tự cách ly không tiếp xúc với mọi người và trao đổi ngay với cơ quan chức năng để xử trí kịp thời.

dai dich covid 19 2
Tự học các test kháng nguyên tại nhà - Ảnh: Internet

8. Nâng cao sức đề kháng cơ thể, vệ sinh nhà cửa thông thoáng

Tập luyện thể dục đều đặn góp phần nâng cao sức đề kháng với virus, kể cả khi đang mắc bệnh mạn tính, lớn tuổi hoặc cả khi đang bị nhiễm virus. Đồng thời, việc tập luyện thể dục thể thao giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn, tấn công nhanh hơn các loại vi rút xâm nhập. Miễn dịch là hệ thống bảo vệ và phát hiện của cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh do ngoại lai như vi rút, vi khuẩn…

Vệ sinh nhà cửa như là một công việc thường quy, đây là giải pháp quan trọng giúp loại trừ nơi trú ẩn của virus.

9. Khai báo y tế đầy đủ theo yêu cầu

Nắm vững các thông tin liên quan về dịch tễ dịch COVID-19 tại nơi cư trú, khai báo y tế đầy đủ sẽ rất hữu ích. Ví dụ, biết những vùng đang có dịch bùng phát, bạn sẽ tránh đến để bảo đảm an toàn.

dai dich covid 19 3
Khai báo y tế đầy đủ - Ảnh: Internet

10. Kiểm soát các bệnh nền và học cách tự chăm sóc nếu không may là F0 hay F1

Nếu không may trở thành F0 hay F1, bạn hết sức bình tĩnh, không hoang mang, các cơ quan y tế sẽ hướng dẫn cách cách ly tập trung hay tại nhà và xử trí theo quy định. Để tự tin và phối hợp hiệu quả, bạn cần tự đọc, tìm hiểu và nắm chắc các hướng dẫn tự chăm sóc tại nơi tập trung hay tại nhà. Tất cả vì mục đích cuối cùng là sống chung an toàn với virus SARS-CoV-2.

Minh Thư