Phụ Nữ Sức Khỏe

Cảnh báo: Thị trường tràn lan máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2, thật - giả khó lường

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD) cho biết, trong thời gian qua theo ghi nhận của Bộ Công Thương, một số thông tin từ báo chí và người tiêu dùng phản ánh, các loại máy đo nồng độ oxy trong máu (SpO2) được bán với mức giá siêu rẻ tràn lan trên các trang mạng, trang thương mại điện tử khiến người tiêu dùng khó phân biệt được hàng giả, hàng nhái.

Cụ thể, lợi dụng tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng tung ra quảng cáo bán các thiết bị hỗ trợ trong việc điều trị sức khỏe tại nhà như các loại máy thở, các loại thuốc, các loại đo nồng độ oxy trong máu SpO2… với giá rất thấp, chỉ từ vài chục ngàn đến vài triệu đồng. Thậm chí các loại thiết bị này còn được quảng cáo là có thể phát hiện virus SARS-CoV-2.

Máy đo nồng độ  oxy trong máu (SpO2) được rao bán tràn lan với mức giá siêu rẻ chỉ từ vài chục ngàn đồng. Hình internet

Các loại máy này thường nhái với các thương hiệu uy tín như Eveny, Omroni hoặc tên chung chung là Oximeter. Theo phản ánh, các máy này có điểm chung là thiết kế nhỏ, dạng kẹp đầu ngón tay, dùng pin AAA, màn hình hiển thị hai thông số chính là SpO2, nhịp tim, cùng nút bấm để khởi động. Tuy nhiên, những thiết bị này đều có thiết kế lỏng lẻo, chất lượng nhựa kém, các mối nối không liền mạch, có thể dùng tay để gỡ phần máy.

Nếu người tiêu dùng sử dụng những mặt hàng kém chất lượng này sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe khi tin theo những chỉ số báo có thể không chính xác.

Máy đo SpO2 là thiết bị đo độ bão hòa oxy trong máu, kết hợp đo nhịp tim thông qua đầu ngón tay, giúp bệnh nhân Covid-19 nhanh chóng phát hiện tình trạng thiếu oxy trong máu ngay cả khi cơ thể đang bình thường.

Theo một bác sĩ chuyên khoa, các thiết bị đo SpO2 cần thiết đối với các trường hợp F0 bắt đầu có triệu chứng, chứ không phải là dấu hiệu để phát hiện người mắc bệnh Covid-19 hay không.

Trước khi mua máy đo SpO2, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ nguồn gốc xuất xứ của các loại máy để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái.

Theo đó, người tiêu dùng có thể chụp tem của sản phẩm, khảo sát trên mạng để tìm hiểu thông tin sản phẩm bao gồm nhà sản xuất, hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm, phản hồi của những người tiêu dùng khác.

Cũng theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, thông thường nếu nhà sản xuất uy tín thì trên website của doanh nghiệp sẽ công bố áp dụng tiêu chuẩn ISO 13485 cho sản phẩm đó.

Vì vậy, người tiêu dùng chỉ nên lựa chọn máy theo các nhãn hàng uy tín, có thông tin đầy đủ về đơn vị sản xuất, đơn vị bán, chế độ bảo hành rõ ràng, giá được niêm yết công khai và mua tại cơ sở kinh doanh được cấp phép.

Nếu phát hiện các cá nhân, tổ chức rao bán các loại máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2 không rõ nguồn gốc xuất xứ và đảm bảo chất lượng, người tiêu dùng có thể phản ánh tới các cơ quan quản lý nhà nước về y tế, quản lý thị trường hoặc cơ quan bảo vệ người tiêu dùng tại địa phương để được hỗ trợ.

Hoài Đỗ (T/H)