Phụ Nữ Sức Khỏe

Cảnh báo nguy cơ thiếu hụt lương thực toàn cầu

Theo một báo cáo được công bố vào ngày 3/5 (giờ địa phương) bởi “Mạng lưới toàn cầu ứng phó với khủng hoảng lương thực thế giới”, bao gồm Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và Liên minh Châu Âu (EU), tính đến năm ngoái, ước tính có khoảng 258 triệu người ở 58 quốc gia đang trải qua tình trạng "mất an ninh lương thực trầm trọng". So với năm 2021 (193 triệu người) tăng 65 triệu người (33%).

Người dân Yemen chờ viện trợ lương thực - Ảnh: EPA/Yonhap News

Xung đột, hạn hán do biến đổi khí hậu, hậu quả của đại dịch COVID-19 và chiến tranh ở Ukraine được phân tích là những nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề lương thực.

'Mất an ninh lương thực trầm trọng" đã được Liên hợp quốc định nghĩa là tình huống trong đó cuộc sống hoặc sinh kế của một người bị đe dọa ngay lập tức do nguồn lương thực không đầy đủ. 

Báo cáo lưu ý rằng tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở Somalia, Afghanistan, Burkina Faso, Haiti, Nigeria, Nam Sudan và Yemen.

Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết: “Số người cần hỗ trợ lương thực khẩn cấp do tình trạng thiếu lương thực trầm trọng đã tăng năm thứ 4 liên tiếp kể từ năm ngoái".

Giám đốc phục hồi khẩn cấp FA0 Rain Poulsen cho biết một số yếu tố, bao gồm xung đột, biến đổi khí hậu, tác động của COVID-19 và chiến tranh ở Ukraine, đã ảnh hưởng đến thương mại phân bón, lúa mì, ngô và dầu hướng dương, đang góp phần gây ra cuộc khủng hoảng lương thực.

Ông cho biết rằng các nước nghèo nhất ở châu Phi, vốn phụ thuộc vào lúa mì từ Nga và Ukraine, đã bị ảnh hưởng nặng nề.

Thúy Nga