Phụ Nữ Sức Khỏe

Cách xử lý đột quỵ nhanh chóng, kịp thời

Đột quỵ (tai biến mạch máu não) là căn bệnh thần kinh gây hậu quả nghiêm trọng. Tại Việt Nam, mỗi năm có 200.000 người bị đột quỵ, trong đó 50% tử vong, 90% bệnh nhân sống sót mắc các di chứng về vận động gây thêm gánh nặng cho gia đình.

Dù tai biến mạch máu não nếu được phát hiện và điều trị kịp thời trong những giờ đầu để tránh tàn tật và tử vong. Thế nhưng không ít người vẫn không hiểu rõ về tầm quan trọng của việc sơ cứu, xử lý ban đầu khi có người thân hay người xung quanh bị tai biến nhằm cứu sống và giảm biến chứng.


Đột quỵ không chỉ thường gặp ở người cao tuổi

Theo bác sĩ CKI Trần Thị Thu Liễu – BV Y học cổ truyền TP.HCM, để có thể xử lý tốt ngay khi có người thân bị đột quỵ, trước tiên phải phát hiện sớm  và  xác định người đó có đột quỵ hay không?

Biểu hiện của người bị đột quỵ thường là đau đầu dữ dội; rối loạn nhận thức, lú lẫn; rối loạn thị giác ở 1 hoặc 2 mắt làm tối mắt, mờ mắt, nhìn 1 vật thành 2 thậm chí mù mắt; mất khả năng vận động các cơ như tê, yếu hoặc liệt mặt, liệt một bên tay chân; khó khăn trong di chuyển và sử dụng ngôn ngữ…

Khi cần xác định, nên yêu cầu người bệnh cười - nói - giơ tay để kiểm tra. Nếu cười miệng bị méo, lệch sang một bên, nói khó hoặc ngọng, giơ tay không được hoặc chỉ được 1 bên tay khác với bình thường thì người đó đang có nguy cơ bị đột quỵ.

Thời gian vừa xảy ra đột quỵ là thời điểm quan trọng quyết định tính sống còn của bệnh nhân, lúc này người trong gia đình và người ở gần nhất với bệnh nhân đóng vai trò rất quan trọng. Khi phát hiện người thân bị đột quỵ, việc cần làm đầu tiên là gọi cấp cứu.

Trong thời gian chờ đợi được cấp cứu tại cơ sở y tế, cần thực hiện xử lý tại chỗ nhanh chóng. Để bệnh nhân nằm yên trên một mặt phẳng, đầu nâng cao 30 độ tránh máu dồn lên não. Nới rộng quần áo, tháo răng giả nếu có, theo dõi sắc mặt và nhịp thở, kiểm tra xem đnag tỉnh hay hôn mê, nếu còn tỉnh cố gắng trấn an, giúp bệnh nhân tự hít sâu và thở chậm.


Trường hợp bị hôn mê, ngừng thở phải nhanh chóng thực hiện hô hấp nhân tạo

Khi bệnh nhân có biểu hiện ói mửa, cần để đầu nghiêng sang một bên, dùng tay lấy các chất có trong miệng ra để không tràn vào phổi. Nếu bị co giật, cũng để nằm nghiêng, dùng vải quấn quanh 1 chiếc đũa, hay muỗng đặt vào giữa 2 hàm răng đề phòng bệnh nhân cắn vào lưỡi. Trường hợp bị hôn mê, ngừng thở phải nhanh chóng thực hiện hô hấp nhân tạo. “Tuyệt đối không cạo gió, xoa bóp, nặn chanh (thực hiện các biện pháp dân gian)… có thể làm tình trạng nặng thêm”, bác sĩ Liễu nói thêm.

Cũng theo bác sĩ Liễu, mặc dù người trên 65 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn độ tuổi khác nhưng còn có nhiều yếu tố nguy cơ có thể gây bệnh ở những người trẻ hơn. Ngoài yếu tố nguy cơ chính như: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim… thì còn có yếu tố về di truyền, sắc tộc, giới tính… Ngoài ra, lối sống không lành mạnh như lười vận động, lạm dụng rượu bia, thuốc lá, chất gây nghiện đều tăng nguy cơ đột quỵ ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Vì vậy, việc thay đổi hành vi lối sống theo hướng tích cực sẽ làm giảm thiểu nguy cơ đột quỵ.

Hàng năm, ngày 29-10 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chọn là ngày “Đột quỵ não toàn cầu”. Đây là dịp để tuyên truyền rộng rãi đến cộng đồng về đột quỵ và cách ứng phó.

thanhhieu