Phụ Nữ Sức Khỏe

“Bệnh vặt” có thể là biểu hiện bệnh của ung thư

Đừng xem thường các biểu hiện bất thường của cơ thể

Sáng 16.5 Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe TP.HCM đã tổ chức chương trình Trò chuyện với thầy thuốc, mang chủ đề “Chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư đại trực tràng” với sự chủ trì của TS. BS. Bùi Chí Viết, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM

Tại chương trình, các thân nhân và bệnh nhân ung thư đại trực tràng được gặp gỡ, chia sẻ những khó khăn, kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe hậu phẫu với nhau. Trong bối cảnh bệnh viện Ung bướu quá tải như hiện nay, buổi trò chuyện như vậy là một cơ hội tốt để bệnh nhân và bác sĩ có thể thấu hiểu nhau hơn, qua đó trao đổi được nhiều hơn thông tin về bệnh tật. Qua đó, giúp thân nhân có cái nhìn tổng quan về bệnh tình của người nhà, từ đó có cách chăm sóc dinh dưỡng đúng cách.


Anh Nguyễn Mạnh Tuấn đưa ra các thắc mắc về hậu phẫu

Anh Nguyễn Mạnh Tuấn, một bệnh nhân đã phẫu thuật thành công và hiện đang trong quá trình hồi phục vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại giây phút biết kết quả mình có một khối u ở trực tràng. Anh kể: “Trước đó tôi cứ tưởng các chứng thay đổi thói quen đại tiện và ợ hơi, chướng bụng, đại tiện ra máu, táo bón chỉ là những bệnh vặt đường tiêu hóa”. Cuối tháng tư vừa rồi, cảm thấy bất an sau chuỗi ngày làm lơ các bệnh vặt ấy anh đi khám bệnh và được kết luận mình mắc bệnh. Cuộc phẫu thuật được diễn ra sau 6 ngày kể từ khi anh phát hiện bệnh.

Nhờ được hướng dẫn chăm sóc sức khỏe hậu phẫu đúng cách, hiện tại, sau nửa tháng phẫu trị anh đã có thể làm việc và sinh hoạt bình thường. Từ trường hợp trên ta có thể nhận thấy, dinh dưỡng hậu phẫu là một yếu tố rất quan trọng trong quá trình điều trị ung thư đại trực tràng.


Ung thư đại trực tràng thu hút sự quan tâm của nhiều người 

Bệnh nhân phải được nội soi đại trực tràng, xét nghiệm phân mới xác định chính xác được bệnh. Vì các biểu hiện của ung thư đại trực tràng khá giống với các chứng bệnh tiêu hóa thông thường khác, vậy nên không ít trường hợp bệnh nhân được chuẩn đoán là bị rối loạn tiêu hóa.

Không riêng gì anh Tuấn, bà Hoàng Thị Nhung, ngụ đường Phan Bội Châu, Quận 1, TP.HCM cũng là một trường hợp tương tự. Khi bà thường xuyên bị táo bón, đại tiện ra máu nhưng chủ quan cho rằng do mình ít ăn rau nên mới khó tiêu. Đến tham dự chương trình, nghe bác sĩ Bùi Chí Viết tư vấn và nêu ra các biểu hiện bệnh, bà giật mình khi bà có hầu hết các triệu chứng của bệnh. Sau những lo lắng không biết mình bị bệnh gì, “được lời như cởi tấm lòng”, bà bộc bạch rằng: “Thứ hai tới tôi phải đi thử phân ngay, cho chắc. Để nếu không bị bệnh thì tốt, bị bệnh thì còn biết đường mà chạy chữa”.

Khi có những triệu chứng sau, bạn hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám giúp phát hiện bệnh: thường xuyên đau bụng, cảm giác đầy hơi không tiêu; giảm cân đột ngột, tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài; cảm giác có khối u trong bụng; có máu trong phân hoặc phân có màu đen, mệt mỏi liên tục.

Tăng dinh dưỡng và năng lượng giúp hồi phục nhanh

Theo BS. Bùi Chí Viết, bổ sung dinh dưỡng và năng lượng giúp làm lành vết thương, chống nhiễm trùng và hồi phục sức khỏe sau phẫu thuật. Bệnh nhân phải quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng cả trước và sau mổ. Bởi bệnh nhân suy dinh dưỡng trước mổ sẽ làm thời gian hồi phục kéo dài, vết thương chậm lành và biến chứng nhiễm trùng vết mổ là không thể tránh khỏi, do đó cần chăm sóc dinh dưỡng tích cực sau mổ.


Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Chí Viết tư vấn và trả lời tận tình các thắc mắc của bệnh nhân

Người nhà nên cho bệnh nhân tập vận động sớm, tập hít thở để ruột không bám dính lên vết mổ, tránh trường hợp tắc ruột. Bên cạnh đó nên cho bệnh nhân ăn uống trở lại vào ngay ngày thứ nhất sau mổ, không cần thiết phải chờ đợi khi có nhu cầu ruột trở lại. Tăng dinh dưỡng và năng lượng giúp làm lành vết thương, chống nhiễm trùng và hồi phục sức khỏe sau mổ.

Liệu pháp dinh dưỡng có thể giúp làm giảm mất cân bằng dinh dưỡng do phẫu thuật gây ra, bổ sung dinh dưỡng và kích thích sự thèm ăn điều cấp thiết. Bệnh nhân nên chọn thức ăn giàu protein và nhiều calo (trứng, pho mát, sữa, kem, các loại hạt, bơ đậu phộng, thịt, gia cầm, cá…) tránh các loại thực phẩm nhiều gia vị, dầu mỡ, nặng mùi và nước có ga, các loại thức ăn gây ra khí như đậu Hà Lan, bông cải xanh, bắp cải, củ cải, dưa chuột. 

Một điều quan trọng không kém là cảm xúc căng thẳng về cuộc mổ cũng ảnh hưởng đến sự ngon miệng của bệnh nhân. Tạo không khí ấm cúng và ăn cùng các thành viên trong gia đình sẽ giúp bệnh nhân ngon miệng và ăn được nhiều hơn.

Lời khuyên dành cho bạn là nội soi đại trực tràng định kỳ (đối với người 50 tuổi trở lên), kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý, ít dầu mỡ, không hút thuốc và thường xuyên tập thể dục, ăn nhiều trái cây và rau xanh sẽ giúp tầm soát bệnh hiệu quả.

“Ung thư đại trực tràng là loại bệnh thường gặp ở nước ta, tuy nhiên  được phát hiện sớm, chỉ định điều trị đúng sẽ góp phần làm tăng tỷ lệ chữa khỏi bệnh. Quá trình chăm sóc sau mổ, chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng như chiến lược theo dõi một cách chặt chẽ sẽ mang lại chất lượng sống lạc quan hơn cho người bệnh.” TS. BS. Bùi Chí Viết nói thêm. 

thanhhieu