Phụ Nữ Sức Khỏe

Bé trai không qua khỏi khi rơi vào hồ cá Koi ngày Tết: Cha mẹ nên làm gì để sơ cứu con?

Đau lòng bé trai 3 tuổi ngạt nước

Theo VietNamNet, ngày 31/1, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, nơi đây đã tiếp nhận cấp cứu một bé trai 3 tuổi bị đuối nước.

Theo đó, bệnh nhi ở Bình Phước, được cha mẹ đưa đi chơi ở một quán cà phê cá Koi. Bé vui chơi tự do. Một lúc sau không thấy con, phụ huynh tìm kiếm mới phát hiện bé vừa được vớt lên từ hồ cá. Bé được sơ cứu và chuyển đến bệnh viện tỉnh nhưng đã ngưng tim ngưng thở, không xác định thời gian ngạt trong bao lâu.

Bé trai tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM. Tại đây, bác sĩ xác định trẻ viêm phổi nặng, không còn hô hấp tuần hoàn, được thở máy, dùng thuốc vận mạch, truyền kháng sinh... Mặc dù các bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng bé trai đã tử vong sau đó.

Bệnh nhi bị ngạt nước được chẩn đoán tổn thương phổi nặng đang được thở máy và theo dõi. Ảnh: Sức khỏe và đời sống

Trước đó, bệnh viện từng tiếp nhận một thiếu niên 13 tuổi bị đuối nước nghiêm trọng do cứu em trai dưới ao. Do chìm dưới nước hơn 10 phút, trẻ phải chuyển lên TP.HCM để điều trị di chứng não và hoại tử bàn chân phải.

Cũng theo Báo Sức khỏe và đời sống, khoảng 8/2022, 2 bé trai gặp tình trạng ngạt nước nguy kịch dù đã biết bơi. Qua khai thác bệnh sử, được biết, cả hai bé đã xin phép gia đình đi bơi cùng nhóm bạn tại một địa điểm gần nhà. Tuy nhiên, trong quá trình bơi lội thì cả hai gặp sự cố và bị chìm dưới nước 5 phút.

Ngay sau khi được phát hiện và vớt lên, cả 2 bé đều trong tình trạng không đáp ứng và người nhà đã nhanh chóng sơ cấp cứu ép tim, thổi ngạt cho 2 em. Lúc tỉnh lại bé có la hét nhưng không trả lời, gia đình đã đưa cả 2 bé tới Bệnh viện Nhi đồng 2 cấp cứu.

Sơ cứu đúng cách cho trẻ bị ngạt nước

Theo Tuổi Trẻ, ngạt nước rất dễ dẫn đến tử vong, nhất là khi thời gian chìm dưới nước lâu (từ 5 phút trở lên) hoặc do không biết sơ cứu đúng cách. Tuy nhiên, trong những trường hợp này, chúng ta không nên quá hoảng sợ mà cần phải bình tĩnh để thực hiện các bước sơ cứu cho bé trong lúc chờ người tới giúp hay chờ xe cứu thương.

Các bước sơ cứu

- Đầu tiên, nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước bằng cách đưa cánh tay, cây sào dài cho trẻ nắm, ném phao… sau đó đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí. Nếu trẻ bất tỉnh, ngưng thở (quan sát lồng ngực không thấy di động) hay thở ngáp cá hãy kiểm tra mạch cổ, mạch bẹn xem có đập không (trong vòng 5-10 giây), nếu không bắt được mạch tức là tim trẻ đã ngưng đập.

- Lúc này, phải ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa xương dưới ức (1 bàn tay đối với trẻ nhỏ, 2 bàn tay đối với trẻ trên 8 tuổi) phối hợp thổi ngạt theo tỉ lệ 15/2 (2 cấp cứu viên) hoặc 30/2 (1 cấp cứu viên), thổi ngạt (hô hấp nhân tạo) để cung cấp dưỡng khí, hít thật sâu, áp miệng thật sát vào mũi và miệng trẻ (đối với trẻ nhỏ) hoặc thổi miệng qua miệng cho trẻ lớn. Thổi ngạt liên tiếp 2 lần, mỗi lần khoảng 3 giây, nhìn lồng ngực trẻ có di động không.

Các bước sơ cứu trẻ. Ảnh: Internet

- Thực hiện ấn tim - thổi ngạt mỗi 2 phút đánh giá lại, làm kiên trì cho đến khi tim đập và thở trở lại… Thực hiện động tác sơ cứu đến khi có mạch thì ngưng ấn tim, nhưng vẫn tiếp tục thổi ngạt cho đến khi trẻ tự thở được. Sơ cứu tại chỗ được xem là thành công khi da trẻ hồng hào, tự thở được, tim đập lại, sờ được mạch rõ, trẻ tỉnh lại.

- Trên thực tế, khi vớt trẻ lên thấy bất tỉnh, ngưng thở, hay thở ngáp cá là đã có thể ấn tim rồi thổi ngạt ngay tỉ lệ tương tự như trên.

Nếu trẻ còn tự thở, hãy đặt trẻ ở tư thế an toàn là nằm nghiêng một bên để chất nôn dễ thoát ra ngoài nếu trẻ nôn ói. Cởi bỏ quần áo ướt và giữ ấm bằng cách đắp lên người trẻ tấm chăn hay một tấm khăn khô, tránh hơ lửa hoặc “lăn lu” người trẻ vì sẽ càng làm nặng thêm tình trạng của trẻ hoặc làm trẻ bị phỏng và quan trọng nhất là làm chậm thời gian cấp cứu thổi ngạt.

Phòng chống tai nạn ngạt nước

Các bậc phụ huynh, người chăm sóc cần lưu ý:

Không để trẻ nhỏ một mình ở nhà, đậy kín các vật chứa nước trong nhà.

Tránh ăn no, không uống rượu trước khi xuống nước.

Chỉ đi bơi ở các hồ bơi bảo đảm an toàn và có nhân viên cứu hộ giám sát.

Trẻ em khi bơi phải mang áo phao và được người lớn giám sát. Không cho trẻ chơi một mình gần ao, hồ, kênh, rạch, sông.Không cho bệnh nhân động kinh bơi…

Ngoài ra, mọi người cần học bơi, biết bơi và đi bơi trong môi trường an toàn để tránh được tai nạn đáng tiếc xảy ra.

My My (t/h)