I. Giới thiệu về cây bạch tuyết mai
Bạch tuyết mai thuộc họ Rubiaceae (họ thiến thảo hay còn gọi là họ cà phê) có nguồn gốc từ khu vực Đông Bắc Á. Ở Việt nam, cây được trồng nhiều ở Đà Lạt và khu vực miền nam.
Bạch tuyết mai còn có nhiều tên gọi khác như hoa tuyết mai, mã thiên hương, hoa bạch câu, hoa ngàn sao, hoa bỏng nẻ, bạch đinh hoa, hương thiên mộc,…
Hoa bạch tuyết mai có 2 dạng là hoa đơn và hoa kép, loại thường gặp nhất là hoa đơn. Hoa màu trắng, có hình ống, khi nở đường kính khoảng 1 – 1,5 cm, 5 cánh tỏa ra như những ngôi sao. Hoa bạch tuyết mai nở rải rách quanh năm nhưng nở rộ nhất là vào mùa xuân.
II. Các loại bạch tuyết mai phổ biến ở Việt Nam
Bạch tuyết mai thường được trồng để làm cây cảnh, bonsai. Tuy nhiên những năm gần đây, vào dịp tết, trên thị trường có xuất hiện một loại gọi là tuyết mai ngủ đông, thường dùng để trưng bày bằng cách cắm vào bình. Dưới đây sẽ là thông tin cũng như cách chơi, trồng, chăm sóc cả hai loại hoa này.
1. Cây bạch tuyết mai cảnh
1.1. Đặc điểm của cây bạch tuyết mai cảnh
Bạch tuyết mai là loại cây thân gỗ, phân chia nhiều cành, nhánh nhỏ, cây sinh trưởng nhanh tạo thành khóm hoặc bụi to, cao khoảng 40 – 50 cm (trong tự nhiên, cây có thể cao tới 1m). Thân cây xù xì với những nhánh gai bao quanh nhưng lại mảnh khảnh, mềm mại, dẻo dai, mọc thẳng hoặc đan chéo ngẫu nhiên, không theo thứ tự nhất định, bởi vậy cây được đánh giá cao về mặt tạo hình, phân nhánh để tạo nên những tác phẩm đẹp.
Lá bạch tuyết mai là dạng lá đơn, mọc thành từng cặp đối xứng với nhau, lá nhỏ mọc nhiều chen nhau, có kích thước dài khoảng 2 – 3cm, rộng 1 – 1,5cm. Lá có màu xanh lục, gân và viền lá màu vàng, mép lá nguyên.
Những bông hoa bạch tuyết mai nở trắng thuần khiết, kết thành chùm bồng bềnh như những vì sao lấp lánh trên bầu trời khiến người nhìn không thể rời mắt. Với vẻ đẹp mong manh, hiền dịu như thế, bạch tuyết mai rất thích hợp để dùng trang trí nội thất, trưng bày trong không gian sống, văn phòng làm việc.
1.2. Cách trồng và chăm sóc cây bạch tuyết mai cảnh
Mặc dù đẹp nhưng bạch tuyết mai đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc rất cao để có thể duy trì được vẻ đẹp đỉnh cao khi ra hoa. Chỉ sự thay đổi nhỏ về nhiệt độ, vị trí đặt cây cũng ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây. Bởi vậy, người trồng cần phải có kinh nghiệm và kỹ thuật cao.
+ Cách trồng cây bạch tuyết mai cảnh
Cây bạch tuyết mai có thể trồng theo 2 cách: gieo hạt hoặc giâm cành. Nhưng dù theo cách nào thì bạn cũng cần phải lựa chọn giống khỏe và tốt.
Phương pháp gieo hạt không được sử dụng nhiều bởi tỉ lệ nảy mầm kh6ong được cao.
Phương pháp giâm cành sẽ cho kết quả nhanh hơn. Cành giâm cần được trồng trực tiếp vào đất để cây có thể thích nghi dần với môi trường đất, nắng, gió, nhiệt độ tự nhiên. Khi giâm được 2 tuần, cây sẽ cho ra nhiều rễ dài tầm 2 – 3 cm, khi đó sẽ được đưa vào chậu với độ ẩm thích hợp.
+ Cách chăm sóc cây bạch tuyết mai cảnh
Mặc dù sở hữu hoa rất đẹp nhưng cây đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao. Vì vậy, chỉ có người có kinh nghiệm mới có thể chăm sóc cây cho ra hoa đúng thời điểm và đẹp. Khi chăm sóc cây cần lưu ý những điểm sau đây:
- Đất trồng
Nên thêm than mùn để tăng chất dinh dưỡng cho đất giúp cây sinh trưởng tốt hơn. Nếu cần, bạn cũng có thể thêm cát để giúp cây thoát nước nhanh hơn tránh bị ngập úng phần rễ.
- Ánh sáng
Bạch tuyết mai chuộng nơi sở hữu bóng râm một phần (tức là chỉ chịu nắng chiếu vào 1 khoảng thời gian nhất định trong ngày).
Nếu trồng bạch tuyết mai vào mùa đông, bạn cần dùng ánh sáng nhân tạo để sưởi ấm cho cây, cũng như để cây có thể quang hợp được tốt hơn.
- Vị trí trồng và đặt cây
Cây rất khó thích nghi khi bị thay đổi vị trí đột ngột. Bạch tuyết mai sinh trưởng tốt khi trồng ở vị trí có điều kiện ổn định, hạn chế tối đa sự thay đổi về thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng.
- Nước tưới
Bạch tuyết mai ưa chuộng nơi ẩm ướt nên cây cần được tưới nhiều nước. Đất tồng cần được làm ẩm để rễ cây phát triển tốt. Tuy nhiên, bạn cần tranh làm cây bị ngập úng. Nếu cây bị thiếu nước liên tục sẽ sinh trưởng kém, không thể ra hoa hoặc ra hoa rất ít, nhưng nếu tưới nước quá nhiều, phần rễ cây sẽ bị thối, dẫn đến chết cây.
Nếu bạn quan sát thấy cây bị rụng lá nhiều kèm ủ rũ. Đây là biểu hiện cây bị thiếu nước. Bạn cần bổ sung nước cho cây liên tục nhiều hơn. Nếu cây chưa ra hoa, bạn có thể tưới cây bằng bình phun từ tán cây trở xuống.
Để tránh tình trạng ngập úng gây thối rễ, bạn nên trồng cây ở chậu có độ thoát nước tốt. Sau mỗi lần tưới, bạn cần nghiêng chậu để loại bỏ đi lượng nước dư thừa.
- Phân bón
Cây bạch tuyết mai đòi hỏi sự chăm sóc tỉ mỉ và khá công phu. Bạn cần cung cấp lượng dinh dưỡng đầy đủ và tốt nhất cho cây. Vào mùa xuân, bạn nên sử dụng phân bòn dạng lỏng với nồng độ vừa phải, tần suất mỗi tuần 1 lần. Vào mùa đông, bạn có thể giảm tần suất bón phân xuống, mỗi tháng 1 lần.
- Cắt tỉa
Cắt tỉa là một khâu quan trọng không thể thiếu khi chăm sóc cây cảnh. Khi cây còn non, bạn nên tỉa lại thành hai lá vào thời điểm chồi đã ra 4 đến 5 lá. Khi cây già, bạn sẽ tỉa với tần suất ít hơn khi đã xuất hiện hoa. Nhánh cây cần được cắt sau 2-3 năm để giúp giữ dáng đẹp và gọn. Ngoài ra việc cắt tỉa cũng giúp cây giảm bớt tình trạng sâu bệnh lây lan.
- Thay chậu
Khi chăm sóc cây bạch tuyết mai bạn không thể bỏ qua bước thay chậu. Sau 2 năm, cây cần được thay chậu mới. Trước khi thay, bạn cần tỉa rễ ở mức vừa phải. Trong quá trình cắt, rễ cây có thể có mùi khó chịu, đây là hết sức bình thường.
- Phòng trừ sâu bệnh hại cây
Trong quá trình sinh trưởng, cây khó tránh sự xâm nhập của côn trùng, nấm, nhện đỏ, trĩ và rệp. Nếu cây có hiện tượng bị bệnh, bạn cần sử dụng loại thuốc chuyên dụng. Thuốc được pha vào bình theo tỉ lệ khuyến cáo của nhà sản xuất rồi xịt đều lên các tán cây.
Một căn bệnh dễ gặp ở cây bạch tuyết mai đó là bệnh thối rễ. Khi tưới quá nhiều nước, rễ cây ngập úng sẽ bị thối dần, cây sẽ bị khô và rụng lá nhiều khi đất vẫn rất ẩm. Đầu tiên, bạn cần giảm số lần tưới nước. Ngay lập tức thay chậu mới cho cây. Phần rễ bị thối cần được loại bỏ. Tuy nhiên những trường hợp bị thối rễ sẽ khó duy trì sự sống của cây. Bởi vậy bạn cần cẩn trọng trong quá trình cung cấp nước.
2. Hoa tuyết mai ngủ đông
2.1. Đặc điểm của hoa tuyết mai ngủ đông
Hoa tuyết mai ngủ đông có nhiều cành, dài từ 1 – 1,2m. Hoa và lá mọc dọc theo cành, tập trung nhiều ở phần đầu cành nên tạo cảm giác hoa rất xum xuê và bắt mắt. Hoa tuyết mai ngủ đông có 2 loại: tuyết mai rừng và tuyết mai thường. Hoa tuyết mai rừng nở lâu hơn, có thể cắm được từ 3 – 4 tuần, cành hoa con, mềm mại và màu sắc cũng đẹp hơn so với tuyết mai thường.
2.2. Cách chọn hoa tuyết mai ngủ đông đẹp
Muốn chọn mua hoa tuyết mai đẹp, bạn nên chọn những cành có nhiều nụ để chơi được lâu hơn. Chọn những cành tươi, có lá và nụ mọc đều. Nên chọn cả cành thẳng và cành cong để khi cắm sẽ tạo nên độ mềm mại, uyển chuyển cho bình hoa.
2.3. Cách cắm hoa tuyết mai
+ Bước 1: Bạn cắt chéo vào gốc cành khoảng 45 độ và chẻ đôi gốc để cành hoa dễ hấp thụ nước hơn.
+ Bước 2: Chọn bình có kích thước phù hợp với chiều dài của cành. Để có bình hoa tuyết mai đẹp, bạn nên chọn những chiếc bình cao sẽ tôn lên được vẻ đẹp của hoa. Cắm hoa vào bình, đổ nước vừa đủ, để hoa tươi lâu hơn, bạn có thể.
+ Bước 3: Cắm đan xen các cành hoa tuyết mai thẳng và cong vào bình để tạo thế uốn lượn sao cho tổng thể bình hoa có được độ mềm mại, uyển chuyển, hài hòa vừa mắt bạn nhất. Thêm lượng nước vừa đủ vào bình. Để hoa tươi lâu hơn, bạn cho thêm thuốc hoa hoặc vài viên vitamin B1 vào trong nước.
2.4. Cách giữ hoa tuyết mai đẹp và tươi lâu
Để hoa được tươi lâu hơn, bạn nên để bình hoa tuyết mai ở nơi thoáng mát, rộng rãi, có ánh sáng chiếu đến và tránh xa các nguồn nhiệt, các thiết bị điện tử.
Nếu thấy có dấu hiệu rụng hoa, lá thì bạn hãy cho thêm nước vào bình hoa, thay nước cho hoa 2 ngày 1 lần, đồng thời bạn có thể dùng bình tưới nước phun sương để hoa được tươi lâu hơn.
III. Ý nghĩa của cây bạch tuyết mai
Bạch tuyết mai được dùng làm cây trang trang trí giúp tôn lên vẻ đẹp của không gian sống. Ngoài ra, cây còn được trồng làm tiểu cảnh giúp khu vườn trở lên đẹp cuốn hút hơn. Nhiều người còn trồng cây bạch tuyết mai thành hàng để làm hàng rào và lối đi từ cổng vào nhà. Hoặc cây còn được trồng bên bờ ao, hồ bơi, bể cá,…
Các cây bonsai được rất nhiều hộ gia đình sử dụng làm cây nội thất trang trí tại phòng khách. Một số doanh nghiệp còn đặt chúng tại văn phòng làm việc. Từ đó, không gian trở nên đẹp và sang trọng hơn.
Bên cạnh đó, cây bạch tuyết mai còn mang ý nghĩa sâu sắc về mặt phong thủy. Cây đại diện cho sức khỏe và sự trường thọ. Bạch tuyết mai có thân và cành dẻo dai, lá dày, đan xen chi chít thể hiện sự cầu mong sức khỏe dẻo dai, trường thọ cho gia chủ và sự đoàn viên, sum họp của các thành viên trong gia đình.
Hoa bạch tuyết mai màu trắng nền nã là biểu tượng của sự thuần khiết, thanh tao. Mật độ dày của hoa và lá còn là biểu tượng cho sự phát tài, phát lộc, đem đến nhiều may mắn cho gia chủ.
Nhiều người lựa chọn trưng cây bạch tuyết mai trong phòng khách để thể hiện sự trang nhã nhưng không kém phần sang trọng quý phái và cầu mong thịnh vượng, may mắn sẽ đầy ắp. Khi đặt cây trong văn phòng, công việc làm ăn luôn được thuận lợi, gặp nhiều may mắn, buôn bán hanh thông.
Vì sở hữu diện mạo đẹp, thân, cành dẻo dai, hoa trắng nhỏ xinh mọc dày tựa các vì sao cũng như ý nghĩa phong thủy mà nó mang lại nên cây luôn được ưu tiên trưng bày vào dịp tết.
IV. Cây bạch tuyết mai hợp mệnh gì?
Vì hoa có màu trắng tinh khôi nên bạch tuyết mai phù hợp với người mệnh Kim. Bởi người mệnh Kim tương hợp với các tông màu: Nâu, trắng và vàng. Cây tương khắc với người mệnh Mộc. Dù không khắc mệnh Thổ nhưng màu cây sẽ khiến cho mệnh thổ đi xuống. Do đó, khi lựa chọn cây để bàn, để trong phòng cần phù hợp với mệnh, tuổi để mang lại phong thủy tốt.
Cây sẽ hợp với những tuổi tương ứng với mệnh Kim: Nhâm Thân (1932, 1992), Ất Mùi (1955, 2015), Giáp Tý (1984, 1924), Quý Dậu (1933, 1993).
Ngoài ra, cây bạch tuyết mai nên được đặt ở hướng Đông, Đông Nam để hút vượng khí, và sinh nhiều tiền tài.
Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn có thêm sự lựa chọn khi muốn tìm một loại cây cảnh vừa trang nhã nhưng không kém phần sang trọng với nhiều ý nghĩa phong thủy để trang trí cho ngôi nhà của mình.