Phụ Nữ Sức Khỏe

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Không nên quá lo lắng chuyện để lại 'di chứng' sau COVID-19 ở trẻ

Theo nguồn tin Người lao động, Bác sĩ Trương Hữu Khanh đã có những giải đáp về vấn đề trẻ em sau khi mắc phải COVID- 19. Cụ thể nhiều người đặt câu hỏi cho bác sĩ như sau: Sau khi trẻ bị mắc Covid-19 xong, đưa bé đi chích ngừa thứ khác có được không? Tâm lý có sao? Sau này có gây ra vấn đề gì không?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), người có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác phòng bệnh truyền nhiễm cho trẻ trả lời rằng phần lớn trẻ em đi qua bệnh Covid-19 rất nhẹ nhàng và phụ huynh không nên quá lo lắng chuyện "di chứng" sau bệnh Covid-19 ở trẻ.

Bác sĩ cho biết thêm, thông thường ở trẻ em, trong vòng 14 ngày kể từ khi khỏi bệnh là trẻ đã có thể hoàn toàn trở lại với cuộc sống bình thường, có thể tiêm chủng các loại vắc-xin dành cho bệnh khác an toàn. Người ta thường chỉ bàn chuyện phục hồi sức khỏe sau bệnh ở người lớn tuổi, có bệnh nền, người bị bệnh rất nặng phải nằm lâu. Còn trẻ em bị nặng hiếm lắm và chỉ gặp ở một số trường hợp đặc biệt trên cơ địa béo phì hoặc có sẵn bệnh nền.

 Bác sĩ Trương Hữu Khanh, người tham gia xây dựng phác đồ điều trị nhiều loại bệnh ở trẻ và cũng là chuyên gia tư vấn việc phòng bệnh cho Bộ Y tế.

Trẻ em thường không dễ bị rơi vào trạng thái lo âu quá độ như ở người lớn. Người lớn có khi lo âu, hoảng loạn tới mức mất ngủ, thay đổi nhịp tim nhưng trẻ em chỉ có thể tỏ ra lo lắng khi chính cha/mẹ chúng quá lo âu mà làm ảnh hưởng đến trẻ, khiến trẻ cũng bất an theo.

Đáng lo nhất là vấn đề khi trẻ bị mang đi cách ly khi không có người lớn bên cạnh, nhất là xa mẹ, điều đó không nên, có thể gây ra sang chấn tâm lý. Nên hạn chế tối đa việc này. Nếu cha, mẹ của trẻ cũng bị Covid-19 nặng không thể ở chung được thì phải tìm cách để trẻ được ở chung với một thành viên trong gia đình.

TT (T/h)