Phụ Nữ Sức Khỏe

Bác sĩ Nhi chỉ cách xử lý trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi bằng nước muối sinh lý và bấc loa kèn

Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi

Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi thường khó thở, thở bằng miệng khiến niêm mạc họng dễ bị tổn thương. Không chỉ vào mùa thu - đông tiết trời trở lạnh, thời tiết nóng ẩm của mùa xuân – hè cũng rất dễ khiến trẻ bị nghẹt mũi. Những nguyên nhân thường gặp gồm:

- Trẻ bị ngạt mũi sơ sinh: Mấy ngày đầu sau sinh, nhiều bé có hiện tượng thở khò khè, nghẹt mũi. Nguyên nhân là do khi còn trong bụng mẹ, một số chất nhầy trong dịch nước ối đã vào mũi, miệng trẻ khiến bé bị ảnh hưởng đến đường hô hấp sau sinh. Hiện tượng này sẽ hết sau vài ngày.

Chứng nghẹt mũi là hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh - Ảnh minh họa: Internet

- Trẻ bị cảm lạnh: Vào mùa thu – đông, không khí khô và lạnh dễ khiến niêm mạc mũi, họng của trẻ bị viêm. Lúc này bé rất dễ bị nghẹt mũi kèm các triệu chứng ho, sốt hay quấy khóc. Vào mùa xuân – hè, không khí nắng nóng ẩm ướt, bé dễ bị đổ mồ hôi trộm. Lượng mồ hôi trộm tiết ra thấm ngược vào người cũng có thể khiến bé bị cảm lạnh gây sổ mũi, nghẹt mũi.

- Trẻ bị dị ứng: Môi trường nhiều bụi bẩn, trang phục bé mặc không được giặt giũ, vệ sinh cẩn thận… đều là những nguyên nhân khiến bé bị dị ứng dẫn đến nghẹt mũi.

Cách xử lý khi trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi

Trẻ dưới 3 tháng tuổi, mẹ nên hạn chế sử dụng thuốc hoặc kháng sinh khi mắc những bệnh thường gặp như ho, sổ mũi, nghẹt mũi. Thay vào đó, mẹ nên áp dụng một số biện pháp thông thường để xử lý khi bé bị nghẹt mũi.

Chia sẻ với Phụ nữ & Gia đình, Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết: “Chứng nghẹt mũi thường làm trẻ khó ngủ, hay bỏ bú mẹ. Mẹ nên nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý trước khi cho con bú hoặc trước giờ đi ngủ. Khi ngủ mẹ nhớ kê cao đầu cho bé để bé ngủ yên giấc hơn”.

Mẹ nên nhỏ nước muối sinh lý trước khi cho trẻ bú hoặc trước giờ đi ngủ để giảm tình trạng nghẹt mũi cho con - Ảnh minh họa: Interrnet

Bác sĩ Khanh thông tin thêm, việc nhỏ mũi bằng nước mũi sinh lý không cần thực hiện quá thường xuyên. Cách tốt nhất, mẹ nên lấy nước mũi ra cho bé bằng phương pháp sử dụng bấc loa kèn.

Để làm bấc loa kèn, mẹ sử dụng khăn giấy loại không dễ bở cuốn một đầu to, một đầu nhỏ. Đầu nhỏ mẹ cuốn lại tùy thuộc vào kích thước lỗ mũi bé. Sau khi cuốn 2 đầu khăn giấy, mẹ đặt nhẹ đầu nhỏ vào mũi, nước mũi sẽ ngấm từ từ vào khăn giấy. Lúc này, mẹ nên nhẹ nhàng kéo khăn ra.

Để làm bấc loa kèn hút nước mũi cho trẻ sơ sinh, mẹ lưu ý chọn khăn giấy dai, khó bở - Ảnh minh họa: Internet
Quấn 2 đầu khăn thành đầu to, đầu nhỏ - Ảnh minh họa: Internet

 Lưu ý khi trẻ bị nghẹt mũi

Khi trẻ bị nghẹt mũi, mẹ tuyệt đối không được dùng xi lanh, ống bơm để hút mũi. Hành động này dễ khiến lớp niêm mạc mũi non nớt của bé bị ảnh hưởng. Thao tác hút quá mạnh còn ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương gây sang chấn tâm lý.

Mẹ không nên tự ý hút mũi cho con bằng xi lanh hoặc dùng miệng - Ảnh minh họa: Internet

Bên cạnh đó, mẹ cũng không nên dùng miệng hút cho con kẻo gây nhiễm khuẩn. Đồng thời không được dùng tăm bông tự quấn để thấm nước mũi trẻ. Bông có thể rơi vào hốc mũi bé bất kỳ lúc nào gây nghẹt đường thở.

Chúc các mẹ thành công khi xử lý trẻ bị nghẹt mũi theo hướng dẫn của bác sĩ Nhi khoa!

Minh Cát