Phụ Nữ Sức Khỏe

Đắk Lắk: Lực lượng cứu hộ hết mình cứu cụ bà rơi xuống vực sâu 15m do mắc bệnh đãng trí

Thông tin từ Báo Thanh Niên cho hay, khi nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã cứu hộ thành công, đưa cụ bà lên an toàn.

Ngay sau đó, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an tỉnh Đắk Lắk đã báo cáo về việc cứu hộ thành công bà N.T.H (SN 1943, trú TP Buôn Ma Thuột) rơi xuống vực sâu. 

 

 

 

Hiện trường cứu hộ gặp nhiều khó khăn nhưng lực lượng cứu hộ đưa cụ bà lên khỏi vực sâu. Ảnh: Tiền Phong

Trước đó, ngày 21/1 (tức 30 Tết), một người dân trên đường đi thăm rẫy, phát hiện cụ bà nằm bất động dưới vực sâu (khoảng 15m) tại thôn 4 (xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột) nên báo cho lực lượng chức năng.

Ngay khi nhận được tin tức, lực lượng CNCH thuộc Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã nhanh chóng triển khai lực lượng, phương tiện đến hiện trường để tổ chức cứu nạn.

Khu vực xảy ra sự cố nằm trong rẫy sâu, xa khu dân cư, do đó việc đến được hiện trường của cán bộ, chiến sĩ gặp không ít khó khăn.

Khi tiếp cận được với nạn nhân, cán bộ, chiến sĩ CNCH phát hiện cụ bà bị chấn thương vùng đầu và không thể cử động được; khu vực đất xung quanh bị xói mòn, cây cối có nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm.

Mặc dù trong điều kiện hết sức khó khăn, địa hình phức tạp, song lực lượng CNCH đã đưa được nạn nhân đến nơi an toàn, tiến hành sơ cứu và phối hợp đưa nạn nhân đến bệnh viện để tiếp tục điều trị.

 

Theo thông tin từ gia đình, nạn nhân bị bệnh đãng trí và bỏ nhà đi khoảng trưa ngày 20/1, người nhà đã chia nhau tìm kiếm nhưng không được.

Theo Báo Sức khỏe và đời sống, chứng đãng trí, hay còn gọi là chứng hay quên, là những thuật ngữ chỉ hiện tượng con người bỗng dưng kém trí nhớ hoặc không thể nhớ lại một số sự kiện trong quá khứ ở một mức độ đáng kể. Tùy vào nguyên nhân mà chứng đãng trí có thể xuất hiện một c ách từ từ hoặc dồn dập, có thể tạm thời hoặc kéo dài.

Một số người đãng trí hay quên những sự kiện mới vừa diễn ra, số khác lại chỉ quên những ký ức xa xăm, nhưng cũng có những người quên cả hai. Tuổi càng cao, con người càng hay quên và gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiếp thu và lưu giữ những thông tin hoặc kiến thức mới. Tuy nhiên, bản thân tuổi tác không phải là nguyên nhân dẫn đến chứng đãng trí, trừ phi có một căn bệnh kèm theo nào đó trực tiếp gây ra sự sa sút trí nhớ, chẳng hạn như chứng mất trí nhớ (dementia) hoặc bệnh Alzheimer.

Chứng mất trí nhớ (dementia) hoặc bệnh Alzheimer thường gặp ở người già. Ảnh.: Internet

Phần lớn các trường hợp đãng trí đều có thể được chữa trị hoặc khắc phục phần nào. Chẳng hạn, tình trạng đãng trí do dùng thuốc có thể được khắc phục bằng các loại thuốc khác phù hợp hơn. Đãng trí do thiếu chất có thể được cải thiện bằng chế độ ăn hằng ngày. Với những người đãng trí do trầm cảm thì giải pháp chính là chữa trị chứng trầm cảm. Đãng trí do đột quỵ cần đến các liệu pháp chuyên môn, giúp người bệnh nhớ lại cách thực hiện các sinh hoạt hằng ngày như đi bộ hoặc buộc dây giày. Còn lại là các trường hợp đãng trí không quá nghiêm trọng, trí nhớ có thể tự hồi phục theo thời gian, hoặc người đãng trí có thể khắc phục bằng các mẹo vặt như ghi chú, đánh dấu sự kiện trên lịch hoặc nhờ sự hỗ trợ của người thân.

Nên chăm chỉ vận động thân thể. Thể dục thể thao không chỉ giúp rèn luyện thể lực mà còn cải thiện trí lực bởi nó thúc đẩy khí huyết lưu thông, tăng cường chuyển hóa và gia tăng tuần hoàn não, cân bằng tâm trạng. Những môn thể thao ngoài trời như bơi, đi bộ, đạp xe cũng tốt cho trí nhớ hơn những môn thể thao trong nhà. Thiền, yoga, khí công dưỡng sinh cũng là những hoạt động hữu hiệu ngăn chặn tình trạng lão hóa của não bộ và cải thiện trí nhớ.

 

 

Lam Lam (t/h)