Phụ Nữ Sức Khỏe

4 dấu hiệu kinh nguyệt bất thường "báo động" khả năng mang thai

 

1. Chu kỳ kinh nguyệt không đều

Để quá trình rụng trứng xảy ra, vùng dưới đồi sẽ thúc đẩy tuyến yên tiết ra hormone kích hoạt buồng trứng làm chín trứng. Kinh nguyệt không đều hoặc không có kinh cho thấy quá trình rụng trứng có thể không đều hoặc không có sự rụng trứng trong chu kỳ đó.

Một số nguyên nhân phổ biến có thể dẫn tới kinh nguyệt không đều trong đó phổ biến nhất là hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Ở giai đoạn rụng trứng, buồng trứng sẽ tạo ra các nang nhỏ và có một nang chín để phóng noãn, rụng trứng để tạo cơ hội thụ tinh trong chu kỳ đó. Tuy nhiên với buồng trứng đa nang, các nang trứng nhỏ hình thành ở ngoại vi buồng trứng và không có quá trình rụng trứng, điều này dẫn đến việc người phụ nữ có kinh nguyệt không đều và khó để mang thai.

Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác có thể gây ra kinh nguyệt không đều bao gồm: Phụ nữ bị thừa cân hoặc quá nhẹ cân, người bị tăng prolactin máu, dự trữ buồng trứng thấp, suy buồng trứng nguyên phát hoặc có các rối loạn chức năng tuyến giáp…

2. Kinh nguyệt bất thường: Rong kinh kéo dài

Rong kinh là tình trạng kinh nguyệt kéo dài trên 7 ngày trong mỗi chu kỳ và trở thành rong huyết nếu kéo dài lên đến hơn 15 ngày

Ảnh minh họa: Internet

Rong kinh là tình trạng kinh nguyệt kéo dài trên 7 ngày trong mỗi chu kỳ và trở thành rong huyết nếu kéo dài lên đến hơn 15 ngày. Nhận biết rong kinh rất đơn giản, bên cạnh kinh nguyệt kéo dài còn kèm theo những dấu hiệu như: đau bụng, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, chảy máu chân răng, chảy máu cam.

Nguyên nhân gây nên tình trạng này có thể là do buồng trứng của chị em chưa phát triển hoàn toàn, rối loạn nội tiết tố, thậm chí là mắc các bệnh như: u xơ tử cung, viêm nội mạc tử cung, ung thư tử cung, ung thư âm đạo… Tình trạng này không kịp thời khắc phục sẽ đe dọa tới khả năng sinh sản của chị em phụ nữ.

3. Thống kinh

Thống kinh là cơn đau bụng dữ dội rất thường gặp ở nhiều phụ nữ khi đến ngày hành kinh. Có 2 loại thống kinh là thống kinh nguyên phát và thống kinh thực thể. Với thống kinh nguyên phát khiến chị em có những cơn đau dữ dội, đau trằn bụng dưới và co rút. Tuy nhiên khi thăm khám bác sĩ không phát hiện được nguyên nhân cụ thể nào.

Với thống kinh thực thể, một số bệnh lý có thể làm gia tăng tình trạng thống kinh này như bệnh nhân có lạc nội mạc tử cung, có các khối u xơ, polyp tử cung, viêm tử cung hoặc với người có đặt vòng tránh thai, tử cung dị dạng, u nang buồng trứng… Tùy vào nguyên nhân mà cơ chế đau trong thống kinh thực thể cũng khác nhau. 

4. Kinh nguyệt bất thường: Kinh nguyệt có màu đen sẫm, vón cục

Khi bạn nhận thấy máu kinh nguyệt có màu đen lạ, vón cục, mùi khó chịu thì rất có thể đó là triệu chứng của việc cơ thể bạn đang thay đổi nội tiết tố

Ảnh minh họa: Internet

Thông thường máu kinh nguyệt loãng và có màu đỏ tươi, nhưng khi bạn nhận thấy máu kinh nguyệt có màu đen lạ, vón cục, mùi khó chịu thì rất có thể đó là triệu chứng của việc cơ thể bạn đang thay đổi nội tiết tố… Đồng thời, nếu tình trạng trên kết hợp với những triệu chứng khác như: đau vùng xương chậu, sốt nhẹ, đau bất thường… có thể bạn đang mắc phải bệnh lây nhiễm, bệnh u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung.

Ngoài ra, trong suốt chu kỳ kinh nguyệt bạn gặp phải những dấu hiệu như: đau bụng kinh dữ dội, chuột rút, chóng mặt, hoa mắt… bạn cần đến gặp bác sĩ ngay để kịp thời điều trị, tránh những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến khả năng làm mẹ của chính mình.

Ngọc Thư (t/h)