Phụ Nữ Sức Khỏe

3 điều quan tâm các bậc phụ huynh cần nhớ và rèn luyện cho bé trước khi các con bước vào mẫu giáo

Khích lệ trẻ rèn luyện tính tự lập

Việc rèn luyện tính tự lập cho trẻ từ sớm không chỉ góp phần giúp trẻ phát triển và hoàn thiện nhân cách, mà còn có tác dụng lớn trong quá trình trẻ đi học tại trường Mầm non.

Ảnh minh họa: Internet

 

Việc rèn luyện tính tự lập cho trẻ từ sớm không chỉ góp phần giúp trẻ phát triển và hoàn thiện nhân cách, mà còn có tác dụng lớn trong quá trình trẻ đi học tại trường Mầm non. Ở lứa tuổi này, các con luôn háo hức khi được tự mình làm mọi thứ. Vì vậy, điều quan trọng là cha mẹ cần tạo nhiều cơ hội để con có thể phát triển tính nề nếp và độc lập của mình, ví dụ:

  • Cho con tự chọn ba lô và quần áo đi học cho ngày đầu tiên, để con cảm thấy mình có quyền tự chủ và con đã “lớn khôn” để đi học tại trường Mầm non.
  • Tạo cơ hội cho trẻ rèn luyện những kỹ năng tự phục vụ dành cho trẻ mầm non tùy vào mức độ sẵn sàng của lứa tuổi, ví dụ như tự rửa tay, tự xúc ăn, cởi dép…
  • Giao công việc nhà phù hợp theo lứa tuổi giúp trẻ có tính nề nếp và nhận biết rằng đóng góp của mình dù là nhỏ cũng rất có ý nghĩa và quan trọng. Trẻ được giao việc nhà phù hợp từ nhỏ cũng có xu hướng thể hiện hành vi xã hội tích cực hơn.

Biết trao đổi, nhờ người khác giúp đỡ khi cần

Khi đi học sẽ có những vấn đề, tình huống trẻ cần đến sự giúp đỡ, hỗ trợ từ người khác. Việc dạy trẻ yêu cầu giúp đỡ vì vậy là một kỹ năng rất quan trọng.

Cha mẹ nên rèn kỹ năng cơ bản này cho trẻ sớm để trẻ tự ứng phó được trước những tình huống bất ngờ.

Ở độ tuổi 3-4 tuổi trẻ thường rất hiếu động, thích chạy nhảy, khám phá, thoáng cái đã lẩn mất, không thấy người thân xung quanh. Nếu trẻ hoang mang lo lắng thì dễ ảnh hưởng đến tâm lý sau này. Vậy nên cha mẹ hãy dạy trẻ khi có nhu cầu thì trao đổi với người khác, khi gặp khó khăn biết nhờ cô giáo giúp đỡ.

Chẳng hạn nếu muốn uống nước, đi vệ sinh,… thì trẻ phải học cách làm để tăng khả năng bản lĩnh, tự tin. Đồng thời, cha mẹ nên dạy trẻ biết kính trọng thầy cô, tin tưởng cô giáo khi học tập ở môi trường mới.

Dạy trẻ sự tập trung, tính kỷ luật

Từ 3 đến 6 tuổi là giai đoạn vàng để trau dồi khả năng tập trung của trẻ. Khi trẻ có năng lực tập trung, bé không gặp khó khăn trong việc tuân thủ các quy tắc, yêu cầu trong lớp học. Thêm vào đó, trẻ nâng cao khả năng tiếp thu kiến thức trong lớp học.

Theo kết quả từ một nghiên cứu của Mỹ, số phút trẻ có thể tập trung được tính theo công thức: Tuổi sinh lý cộng thêm một. Ví dụ, trẻ 3 tuổi có khả năng tập trung khoảng 3-4 phút. Do đó, bạn có thể rèn luyện cho trẻ tính tập trung bằng cách chọn các nhiệm vụ thích hợp, có độ dài dưới 5 phút, ví dụ tô một bức tranh màu đơn giản, sắp xếp một số món đồ vào thứ tự lớn, bé...

 

Ngọc Thư (t/h)