Đôi khi nữ giới là kẻ chủ động tấn công. Liệu có anh nào dám thừa nhận mình là nạn nhân và “tố cáo” phái yếu không?
20 năm chung sống, anh Thanh và chị Hồng đã có hai đứa con, công việc đúng sở trường, thu nhập khá, nhưng sức khỏe của anh ngày càng tệ. Công việc nhiều, rượu bia khá, nên tầng suất anh “trả bài” cho bà xã cũng dần lơi. Anh Thanh không thừa nhận mình “yếu”. Thay vì tâm sự với bà xã để tìm sự đồng cảm, anh sĩ diện, muốn chứng tỏ vị thế phái mạnh. Tiếc là mỗi khi lâm trận, hiệu quả ngày một giảm, nhiều lần “trên bảo dưới không nghe”.
Chị Hồng, ngược lại, mỗi ngày một “sung mãn”, thường xuyên vào vai người chủ động trong chuyện phòng the. Hễ anh từ chối thì bị vợ giận, anh “nửa vời” thì bị chê, anh mệt mỏi thì bị khiêu khích.
Một ngày nọ, chiến hữu rủ đi nhậu, rượu vào lời ra, anh Thanh mới trút bầu tâm sự. Nghe xong câu chuyện, bạn nhậu cười ngặt nghẽo, phán: “Theo Bộ luật Hình sự mới thì phụ nữ cũng có thể phạm tội hiếp dâm. Vấn đề là khả năng thu thập chứng cứ của mày”. Anh Thanh như tỉnh cơn say, nhưng suốt cả tuần suy nghĩ vẫn không giải được tình huống: nếu bà xã lấn tới, “hiếp dâm” mình thì làm sao thu thập chứng cứ. Chẳng lẽ quay phim, chụp hình làm bằng chứng?
Mai, cô sinh viên mới ra trường đi làm, đang rơi vào trạng thái trầm cảm, phải điều trị. Cô là nạn nhân của một vụ tấn công tình dục, người tấn công không phải một gã trai cơ bắp.
Hôm tổng kết cuối năm, phòng kinh doanh của Mai quyết định kéo nhau ra ngoài liên hoan. Đến 23g, chị Minh - trưởng phòng - ngà ngà say, Mai cũng loạng choạng. Chị đề nghị: “Chị ở nhà một mình. Em đi taxi cùng chị, về nhà chị ngủ, sáng mai về cho an toàn”. Hôm sau thức dậy, Mai thấy chị Minh nằm bên cạnh, cả hai đều trong trạng thái không quần áo, Mai hoảng hốt: “Thế này là sao?”. Chị Minh trả lời tỉnh queo: “Em nóng bỏng lắm. Đừng giận nhé”. Mai chợt hiểu ra tình huống ê chề, tìm quần áo, lao nhanh vào nhà tắm.
Cũng bị sếp nữ đưa vào mê cung là trường hợp của anh Thanh - tài xế riêng của chị Ánh. Anh thường chở sếp đi công tác. Chị Ánh vẫn luôn tỏ ra rất đứng đắn cho đến một hôm, sau cuộc gặp, giao lưu say mèm với đối tác, chị Ánh yêu cầu lái xe chở về nhà. Tới nơi, chị bảo anh ngồi nghỉ, chị pha trà mời anh uống. Trà mang ra, anh vô tư rót uống, khoảng vài phút sau thì thấy người nóng ran. Đúng lúc này, chị Ánh xuất hiện trong trang phục không thể mát mẻ hơn, cử chỉ vồn vã và chuyện gì đến đã đến.
Sáng hôm sau, anh Thanh hoảng hốt: “Mình bị hiếp thật sao? Đã cận tết rồi, nghỉ việc thì rất kẹt, mà ở lại thì… Biết bả có lây bệnh gì cho mình không?”. Lòng anh rối bời.
Tội hiếp dâm, không loại trừ nữ giới
Thực tế, xét xử tại nước ta từ lâu không thừa nhận nữ giới là chủ thể thực hành trong tội hiếp dâm (trừ khi là đồng phạm với vai trò tổ chức, giúp sức). Mặt khác, xã hội nói chung và các cơ quan tố tụng nói riêng vẫn quen với suy nghĩ nữ giới là phái yếu, họ không có “công cụ, phương tiện” để phạm tội hiếp dâm cho đến ngày Bộ luật Hình sự (BLHS) 1999 hết hiệu lực, thay bằng BLHS 2015.
Theo luật mới, tội Hiếp dâm được quy định như sau: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc bằng thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm” (khoản 1, điều 141).
Khái niệm “người nào” trong BLHS 2015 đã không loại trừ nữ giới ra khỏi tội danh này, nghĩa là nam hay nữ đều có thể là thủ phạm trong tội hiếp dâm. Tuy nhiên vấn đề thách thức ở chỗ: nạn nhân không dễ chứng minh với cơ quan tố tụng mình bị hiếp dâm. Liệu rằng, thực tiễn có dễ dàng giải đáp hay không và tính khả thi của điều luật mới mẻ này chắc phải đợi thời gian kiểm chứng.
Thạc sĩ luật Trần Hoài Nhân (Công ty luật TNHH Vĩnh Huy)