PGS. TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai vừa công bố nghiên cứu với số lượng bệnh nhân tham gia lớn nhất từ trước đến nay của chuyên ngành đột quỵ với 2.310 người tham gia.
Nghiên cứu được thực hiện tại 10 Trung tâm đột quỵ trên toàn quốc từ Đồng bằng Sông Cửu Long, miền Trung và phía Bắc.
Kết quả bước đầu cho thấy, độ tuổi trung bình người dân Việt Nam hiện nay bị đột quỵ khoảng 65 tuổi; độ tuổi dưới 45 chiếm 7,2%. Điều đáng lưu ý là tỷ lệ nam gặp đột quỵ nhiều hơn nữ, gấp 1,5 lần so với nữ (ở nước ngoài nữ bị đột quỵ nhiều hơn nam).
Ngoài ra, tỷ lệ đột quỵ nhồi máu não chiếm 85%, chảy máu não khoảng 15%, nhưng tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu này cho thấy tỷ lệ đột quỵ nhồi máu não là 76% chảy máu não là 24%.
"Như vậy ở Việt Nam tỷ lệ chảy máu não khi bị đột quỵ cao hơn so với nước ngoài, tỷ lệ nhồi máu não thấp hơn và đặc biệt đáng lưu ý là tỷ lệ người trẻ dưới 45 tuổi, tỷ lệ đột quỵ nhồi máu não chỉ chiếm 50%, còn chảy máu não chiếm đến 46%. Ở người trẻ, tỷ lệ chảy máu não gia tăng rất nhiều", PGS.TS Mai Duy Tôn nhấn mạnh.
PGS.TS Mai Duy Tôn cũng cho biết thêm 78% số người bị đột quỵ tham gia nghiên cứu là do tăng huyết áp. Đáng ngại, tỷ lệ người bị đột quỵ được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong 6 giờ đầu vẫn còn thấp, mới có 33% số người được nghiên cứu.
Trong đó mới có 14% người bệnh vào cấp cứu được điều trị tái tưới máu hoặc sử dụng thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch, sử dụng các dụng cụ cấy nối đường động mạch.
Từ thực tế này, PGS. TS Mai Duy Tôn cho rằng cần có chiến lược điều trị đầu tiên, đó là cấp cứu chung. Theo đó, ngay tại các bệnh viện cũng cần rút ngắn thời gian đánh giá để làm sao có thể mang được nhiều cơ hội cho người bệnh cấp cứu đột quỵ có thể được điều trị tái tưới máu trong khoảng thời gian cửa sổ từ 4,5 - 6h.
“Đồng thời cần thay đổi lối sống để kiểm soát chỉ số huyết áp tốt, nhằm ngăn ngừa bệnh đột quỵ có thể xảy ra trong tương lai”, PGS. TS Mai Duy Tôn nhấn mạnh.
Trước đó, thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết Việt Nam cũng như các nước phải đối mặt với nguy cơ bệnh tật kép, gồm các bệnh truyền nhiễm mới nổi cũng như bệnh lưu hành và sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm.
Các báo cáo khoa học hàng năm cho thấy hàng năm tỷ lệ tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 74% ca tử vong nói chung. Đây là con số rất lớn trong điều kiện kinh tế xã hội và khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển.
Các bệnh không lây nhiễm chính có 4 nhóm gồm: Tim mạch (trong đó có đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp), ung thư, bệnh hô hấp mạn tính và đái tháo đường. Đây đều là bệnh/nhóm bệnh gây những hậu quả nặng nề do tỷ lệ tử vong và tàn phế khá cao.
Theo Thứ trưởng, đột quỵ não là bệnh không lây nhiễm thường gặp. Hàng năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca đột quỵ, giống như các bệnh mạn tính khác, con số này đang có chiều hướng gia tăng.
Theo Hội Đột quỵ thế giới 2022, mỗi năm thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, trong đó hơn 16% xảy ra ở người trẻ 15-49 tuổi. Mỗi năm có 6,5 triệu ca tử vong do đột quỵ với hơn 6% trong số đó là người trẻ.
"Con số này thật đáng báo động, vì nhóm người trẻ tuổi là lực lượng lao động chính của mỗi gia đình và xã hội", Thứ trưởng Thuấn nói.
Người bệnh đột quỵ cần được điều trị nhanh chóng tối đa, bao gồm chẩn đoán và xử trí cấp cứu, đặc biệt là tiêu huyết khối trong 4-5 giờ đầu. Đồng thời, bệnh nhân cần được điều trị phối hợp các chuyên khoa như Chẩn đoán hình ảnh để can thiệp nội mạch lấy huyết khối cấp cứu, Phẫu thuật thần kinh cấp cứu cho người chảy máu não, chảy máu dưới nhện, nhồi máu diện rộng...
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Đào Xuân Cơ bổ sung thêm thông tin, đột quỵ xảy ra không chọn thời gian, không chọn giờ, không chọn không gian. Di chứng của đột quỵ để lại nặng nề. Việc phát hiện sớm, điều trị sớm giúp người bệnh được hồi phục, trở lại cuộc sống tốt hơn.