Theo kết quả một cuộc thăm dò ý kiến những người đàn ông có vợ do tạp chí "Phụ nữ ngày nay" xuất bản ở Melbourne (Australia), với câu hỏi: "Tính xấu nào của vợ mà anh thấy cần phải sửa chữa trước nhất?", thì gần 90% câu trả lời là tính nói nhiều.
Một số đàn ông còn "tố" thêm là vợ họ không những nói nhiều mà còn hay cằn nhằn, kêu ca chồng con nữa, làm cho họ nhiều lúc đinh tai nhức óc không khác gì bị tra tấn vậy, khiến họ chỉ muốn ra khỏi nhà đi đến nơi nào cũng được miễn là không phải nghe thấy những âm thanh phát ra từ vợ mình.
90% đàn ông sợ phụ nữ nói nhiều. Ảnh minh họa
Vậy tại sao phụ nữ nói nhiều? Đây là câu hỏi đã được nhiều nhà tâm lý hôn nhân khắp nơi trên thế giới thi nhau giải đáp, vì muốn cho gia đình hạnh phúc trước hết phải chữa được "bệnh” này. Đã có nhiều cách giải thích khác nhau, người cho rằng vợ phải nói lắm là vì chồng lười, con hư, không nói không được.
Người lại cho rằng phụ nữ phải thu va nhặt vén trong nhà nên luôn luôn gặp những cảnh bừa bộn, lộn xộn do chồng con gây ra vì thế phải vừa thu dọn vừa nói để lần sau biết mà chừa, trong khi đàn ông không quan tâm đến những việc này nên ít nói.
Nhưng theo nhà nghiên cứu Allen Please, giáo sư trường Đại học tổng hợp Melbourne, thì tất cả những lý giải trên đây mới chỉ nhằm vào bề nổi của vấn đề, chưa chú ý tới đặc điểm cấu tạo não bộ của hai giới. Sau hai mươi năm nghiên cứu, nhà khoa học này phát hiện, không phải phu nữ muốn nói nhiềư mà do cơ cấu tố chức não của phái đẹp, vùng nhạy cảm về nhận thức và phát triển ngôn ngữ mạnh hơn nam giới rất nhỉều.
Trung bình khu vực não bộ phụ trách ngôn ngữ của phái yếu nhiều hơn phái mạnh 12 tỷ tế bào. Bình quân mỗi ngày phụ nữ nói khoảng 6000 từ, nhiều hơn nam giới khoảng 2000 từ. Kết luận khoa học này được rút ra sau nhiều nghiên cứu trên não người và nhiều trắc nghiệm với phụ nữ, từ bé gái đến bà già.
Các cô mẫu giáo đều nhận thấy, nói chung các bé gái phát triển ngôn ngữ hơn hẳn bé trai. Chúng kể chuyện hay hơn, diễn đạt rành mạch hơn, vốn từ cũng nhiều hơn và hay giơ tay xin nói hơn. Hầu hết các giải thi kể chuyện đều thuộc về các bé gái, mặc dầu cùng một môi trường nuôi dưỡng và giáo dục như nhau.
Khả năng nói của nữ mạnh hơn nam ngay từ khi mới tập nói, cho đến tuổi mâũ giáo lại càng thể hiện rõ. Chính vì cấu tạo vỏ đại não của bé gái và bé trai có chỗ khác nhau. Càng lớn lên, phái đẹp càng phát huy ưu thế này và chính vì thế có những lĩnh vực mà nam giới không thể so tài với họ được.
Ngờ đâu, chính những khả năng ưu việt đó lại trở thành tai hại khi họ lấy chồng. Theo quan sát trong nhiều năm của giáo sư Barbara Kidman thì hầu như tất cả các phụ nữ được chồng yêu, có hạnh phúc gia đình đầm ấm đều thuộc dạng nói ít. Cấu tạo não bộ của họ vẫn thế nhưng đa số họ có khả năng kiềm chế tính nổi trội về ngôn ngữ của mình.
Đàn ông tảng lờ lời của các bà vợ sẽ khiến họ "phát điên". Ảnh minh họa
Kể ra nếu một người vợ nói nhiềư mà chồng biết lắng nghe thì cũng chẳng tai hại gì, vì càng nói nhiều là càng bộc lộ hết tâm tư, tình cảm, người chồng dễ hiểu vợ mình hơn, để cư xử hợp lý hơn. Những phụ nữ nói nhiều, sức khỏe họ tốt hơn những người lầm lì ít nói.
Chỉ có điều là người vợ nói nhiều không đúng lúc khiến cho chồng khó chịu, trong khi chị cảm thấy như bị "bố con nó"vào một phe tẩy chay mình, đâm ra hờn dỗi và bầu không khí gia đình căng thẳng. Có trường hợp chồng con đang hồi hộp thẹo dõi một trận bóng đá hay một bộ phim hấp dẫn trên ti-vi, bỗng đâu vợ đi làm về, dựng cái xe là bắt đầu “mở đài”.
Nhưng vì chồng con vẫn dán mắt vào ti-vi, lại còn nhảy lên hò hét nữa nên chị điên tiết lên, trút tất cả bực tức vào chồng con, khiến không khí gia đình đang vui vẻ bỗng thành ra căng thẳng. Trong khi họ cứ giả đui giả điếc xem cho hết trận bóng gay cấn! Thế là người vợ đâm ra hờn dỗi, hạnh phúc gia đình tiêu tan.
Trong trường hợp trên đây, đàn ông mong muốn vợ xử sự thế nào? Các phiếu trả lời đều cho rằng người vợ cứ làm việc của mình, hoặc nếu mệt quá thì ngồi nghỉ chờ chồng con xem xong hãy sai phái họ thì mọi việc cũng đâu vào đấy, mà gia đình vui vẻ biết bao.
Hầu như tất cả đàn ông trên thế gian đều cho rằng phụ nữ tránh nói nhiều là cách giữ hạnh phúc gía đình hiệu quả nhất. Người càng được giáo dục tốt, đức hạnh cao, càng kiềm chế được nhiều "bản năng gốc" của mình. Xưa nay những bậc hiền tài, đạo cao đức cả đều nói ít.
Người ta cũng nhận thấy, phản ứng của đàn ông khi vợ nói nhiều thường có hai dạng: Một là họ phát khùng lên quát to hơn, có khi còn đập bát đĩa để ra oai. Hai là họ rơi vào trạng thái lầm lì rất đáng sợ. Bởi vì những người lầm lì thường cục tính, như cái lò-xo càng nén lại thì khi bật lên càng mạnh.
Phụ nữ nói nhiều do "cấu tạo não". Ảnh minh họa
Nếu lại đúng lúc đàn ông có tí hơi men thì "tửu nhập ngôn xuất" nên họ cũng nói nhiều và nói dai chẳng kém, biến tổ ấm gia đình thành cái chợ hoặc bãi chiến trường.
Điều khiến nhiều đàn ông thất vọng sau khi kết hôn là, khi yêu nhau phụ nữ thường nói rất ít, họ chỉ ngồi im nghe các anh ba hoa chuyện trên trời dưới biển nhưng sau khi lấy nhau họ mới nói thả phanh.
Đàn ông thường ngơ ngác tự hỏi đâu rồi người con gái dịu hiền ngày trước, giờ đây chỉ còn một "mụ vợ mồm loa mép giải", nói "liên chi hồ điệp", vừa làm vừa nói, vừa xem ti-vi vừa nói át cả tiếng ti-vi, bắt ne bắt nẹt chồng con từng tí một, hỏi rằng hạnh phúc ở đâu?
Ở đời, cái gì nhiều cũng nhàm, không còn quý nữa, cái gì hiếm cũng có giá trị hơn.
Phải chăng muốn chồng con hạnh phúc các bà vợ nên tập thói quen nói ít thôi .Ngày xưa hôn nhân thường êm ả vì phụ nữ không được phép nói nhiều. Khi "đức ông chồng" không muốn nghe nữa chỉ quát lên một tiếng là vợ phải im re, thậm chí có ông chỉ lừ mắt vợ đã phải “tắt đài”.
Nhưng ngày nay nam nữ bình đẳng, vợ chồng đều có quyền như nhau, nếu vợ thích nói cứ nói, chồng thích lầm lì cứ lầm lì thì chắc chắn hạnh phúc gia đình sẽ ra khỏi cửa. Bảo sao ngày nay ly hôn nhiều hơn ngày trước?