1.Bình gốm
Ông bà ta ngày xưa thường khuyên nên để bình gốm trong nhà. Đó là vì theo phong thủy, chúng tránh được các loại tà khí, mang lại sự may mắn phát tài và sức khỏe cho gia chủ.
Vì vậy, cứ mỗi dịp Tết đến là thị trường đồ gốm lại sôi động. Người ta mua bình gốm chưng trong nhà với mong muốn một năm phát đạt và sung túc.
2.Câu đối đỏ
Theo truyền thống, mỗi năm khi Tết đến thì nhà nhà đều treo câu đối đỏ. Nó xuất phát từ tục treo bùa gỗ có khắc hai vị thần là Thần Đồ và Uất Lũy, chuyên trị tà ma phá hại dân làng.
Sau này việc treo bùa gỗ được thay bằng câu đối hai bên cửa. Câu đối được viết trên nền giấy đỏ với ý nghĩa là màu của sự may mắn và sức sống mãnh liệt.
Mỗi người, tùy vào mỗi hoàn cảnh và sở thích có thể gửi gắm tâm nguyện, niềm hy vọng vào một năm mới thông qua những câu đối đặc biệt này.
3. Hoa tươi
Theo phong thủy, hoa tươi tạo sinh khí cho căn nhà, tốt cho sức khỏe và làm cho gia đình hòa thuận hơn. Không chỉ vậy, nếu biết cắm hoa hợp phong thủy thì điều này còn làm cho gia chủ chiêu tài, nạp phúc, rước bình an vô ngôi gia.
Ngày Tết, người ta thường chọn hoa lan chưng trong nhà để biểu trưng cho sự sang trọng, quân tử, trong đó hoa cúc tượng trưng cho sự trường thọ, hoa đồng tiền mang lại nhiều tài lộc và hoa đỗ quyên mang ý nghĩa thành công và sung túc, hoa cát tường mang lại phước lành, may mắn, còn hoa ly tượng trưng cho sự thanh khiết, quý phái…
4. Mâm ngũ quả
Theo truyền thống Tết xưa để lại, mâm ngũ quả được yêu cầu rất khắt khe, những loại quả được bày trên mâm không được có tên xấu, năm loại quả ghép tên lại phải có ý nghĩa và nói lên mong muốn của gia chủ.
Theo quan niệm của nhà Phật, trái cây năm màu tượng trưng cho ngũ căn: tín, tấn, niệm, định và huệ. Tạo nên sự hài hòa của âm dương ngũ hành. Ngoài ra, “ngũ” còn thể hiện ước muốn của người Việt đạt được ngũ phúc lâm môn: Phúc, quý, thọ, khang, ninh.
5. Hoa mai, hoa đào
Người miền Nam có tục chưng hoa mai, người miền Bắc chưng hoa đào. Có sự khác biệt giữa hai miền là do đặc tính sinh trưởng của hai loài hoa này, hoa mai thích hợp với khí hậu nắng nóng, còn hoa đào chỉ nở khi thời tiết lạnh.
Hoa đào gắn với sự tích hai vị thần có năng lực xua đuổi tà ma, nhưng mỗi dịp cuối năm, hai vị thần này phải về chầu trời nên họ đã căn dặn người dân hãy bẻ một nhành đào chưng trong nhà, ma quỷ thấy hoa đào sẽ không đến quấy phá nữa.
Hoa mai cũng có một sự tích, đó là câu chuyện về một cô gái đi giết yêu tinh nhưng bị chết, trời thấy thương nên cho cô sống lại 9 ngày trong một năm. Sau đó, khi cha mẹ cô đã chết, cô hóa kiếp thành cây mai bên ngôi đền. Từ đó, mỗi dịp Tết đến hoa mai vàng lại nở. Người ta lại bẻ một cành mai chưng trong nhà với mong muốn xua đuổi ma quỷ.
Ngày nay, khi cuộc sống phát triển, hoa mai, hoa đào còn được chưng vào ngày Tết với ý nghĩa tượng trưng cho sự sinh sôi, phát triển, mang đến nguồn sinh khí mới.