Cơ thể phụ nữ mang thai sẽ có nhiều thay đổi quan trọng. Đó là sự chuẩn bị của cơ thể để giúp thai nhi hình thành và phát triển khỏe mạnh trong suốt thai kỳ. Đây là giai đoạn nhạy cảm và vô cùng quan trọng. Việc biết trước những thay đổi sinh lý của cơ thể khi mang thai sẽ giúp các ông chồng chủ động hơn khi chăm sóc bà bầu và thai nhi.
Thay đổi trong hệ hô hấp
Tốc độ hô hấp tăng do nhu cầu ngày càng tăng của thai nhi. Do đó, giai đoạn này mẹ có thể sẽ cảm thấy khó thở hơn bình thường.
Thay đổi trong hệ tiết niệu
Khi tử cung mở rộng, bàng quang có thể sẽ gặp một số áp lực. Ngoài ra, thận có xu hướng làm việc nhiều hơn để loại bỏ chất thải. Việc này sẽ khiến mẹ tăng số lần đi tiểu.
Hệ tim mạch có sự thay đổi
Sự xuất hiện của thai nhi sẽ khiến nhịp tim tăng lên. Ngoài ra, vào quý thứ 2 của thai kỳ huyết áp mẹ bầu có thể sẽ giảm.
Thay đổi ở bụng
Ổ bụng của phụ nữ mang thai mở rộng để thai nhi hình thành và lớn lên, một số trường hợp mẹ sẽ thấy đau ở hai bên bụng. Ngoài ra, bà bầu sẽ cảm thấy đau lưng, do cơ thể sắp xếp lại các cơ và xương để phù hợp cho em bé phát triển.
Thay đổi trong hệ thống nội tiết
Tỷ lệ chuyển hóa trong hệ thống nội tiết có thể tăng do sự gia tăng hormone trong cơ thể bà bầu khi mang thai. Tình trạng này khiến phụ nữ mang thai có thể bị nóng trong người.
Hệ thống tiêu hóa có sự thay đổi
Khi mang thai, tử cung của bà bầu nở ra, các cơ quan bên trong có thể bị lệch vị trí, dẫn đến tình trạng trào ngược axit. Ngoài ra, trong thai kỳ chị em có thể bị táo bón do các cơ co giãn vì sự điều tiết của hormone progesterone.
Những thay đổi sinh lý sẽ rõ hơn trong ba tháng cuối của thai kỳ. Thời gian này, cân nặng của mẹ bầu sẽ tăng lên vì thai nhi lớn nhanh hơn. Do đó, trong giai đoạn này mẹ cần chú ý hơn khi di chuyển, đi lại. Bà bầu không nên ở nhà một mình để tránh tình trạng băng huyết hoặc sinh non có thể xảy ra.