Cô đơn được hiểu là một trạng thái cảm xúc khi mà con người ta cảm thấy trống trải, lạc lõng, bơ vơ, không cách nào kết nối được với thế giới, với mọi người. Một điều khá lạ lùng là xã hội càng hiện đại thì con người càng trở nên cô đơn. Lạ lùng là bởi khi mà công nghệ số càng phát triển giúp cho con người ở hai đầu địa cầu vẫn có thể kết nối được với nhau thì cũng là lúc mà chúng ta dễ bị cô đơn hơn bao giờ hết. Chúng ta cô đơn ngay trong chính gia đình của mình.
Đàn ông thường là người kín tiếng, ít khi tâm sự hay chia sẻ cảm xúc hay những phút giây yếu mềm của mình. Thế nhưng cách đây không lâu, trên một diễn đàn mạng xã hội, một thanh niên trẻ mới lập gia đình đã phải thốt lên rằng: “Gia đình là tổ ấm, là nơi ta thấy vui vẻ và hạnh phúc nhất. Nhưng có những lúc mình cảm thấy cô đơn, trống trải trong chính gia đình mình. Không hiểu có người chồng, người vợ nào có tâm trạng giống mình ko nhỉ. Mình lập topic này mong mọi người cùng chia sẻ”.
Người chồng này cũng cho biết, anh đã từng cố gắng để thay đổi không khí gia đình, ví dụ như rủ vợ đi siêu thị, đến nhà ông bà chơi... Nhưng vẫn trĩu nặng một cảm giác buồn và cô đơn. Người chồng này còn thổ lộ rằng, trong thâm tâm muốn làm một điều gì đó để thay đổi không khí.
Khi bộc bạch nỗi niềm này, cũng trên toppic của diễn đàn này, một người đàn ông khác khuyên người chồng này nên xem phim Ngõ lỗ thủng và đưa ra triết lý “Mỗi người nên có và phải có một chút gì đấy cho riêng mình”.
Cũng trên một diễn đàn tâm sự, anh Trần Phương cho biết, anh là người đàn ông từng có vợ và hai cô con gái xinh xắn, có gia đình và tài chính vững vàng, ai ai nhìn vào gia đình tôi cũng phải bày tỏ ngưỡng mộ và thèm muốn. Vợ anh Trần Phương cũng là một người có đi địa vị xã hội, không xinh đẹp mỹ miều nhưng không phải là người xấu. Anh Phương cũng cho biết vợ anh không có điều gì đáng chê trách cả. Hai cô con gái của anh cũng xinh xắn, đáng yêu. Thế nhưng trong nội tâm sâu thẳm của mình, anh Trần Phương cứ thấy mình cô đơn, trống vắng. Thậm chí anh cảm thấy ngột ngạt. Anh nói “mỗi lần bước chân về nhà tôi thấy mình như là đi về địa ngục vậy”?!
Lý giải về sự cô đơn trống rỗng của mình, anh Phương liệt kê một loạt vấn đề: “Tôi không biết là tôi cần cái gì, tôi chỉ cảm thấy tôi đang không sống mà tôi đang tồn tại. Gia đình tôi mà tôi không có phần trong đó. Tôi và vợ tôi không chia sẻ được với nhau. Tôi không nói được những cảm xúc của mình. Vợ tôi không hiểu tôi. Tôi không làm được cái gì mà tôi muốn. Tôi luôn phải làm theo những cái mà vợ tôi cần. Con tôi cần, gia đình bên ngoại của tôi cần, gia đình bên nội của tôi cần... Còn chính tôi thì chẳng ai quan tâm là tôi cần gì...
Tôi cũng là con người, tôi cũng có nhu cầu, cũng có mong muốn như mọi người thôi, nhưng vợ tôi không hiểu tôi. Cô ấy đòi hỏi trách nhiệm ở tôi quá lớn, mà tôi thấy không bao giờ tôi có thể làm đủ cả. Tôi cảm thấy tình thương, tình yêu trong tôi cứ chết dần, chết mòn và cái khát vọng được sống là chính mình cứ ngày càng cháy bùng lên.
Tôi cố gắng kìm nén, cố gắng chịu đựng. Giữa chúng tôi có những giận dỗi vì tôi thậm chí còn không thể làm được nhiệm vụ "yêu" vợ nữa. Tôi không cảm thấy hứng thú với chuyện ấy thì làm sao mà tôi có thể làm được. Chính vì thế mà mối quan hệ của chúng tôi ngày càng rạn nứt. Sống trong một mái nhà mà chúng tôi xa cách vời vợi, cả ngày cũng chỉ là công việc và con cái, chuyện lặp đi lặp lại và kéo dài hết tháng này qua năm khác...”
Và cuối cùng để giải quyết nỗi cô đơn của mình, anh Trần Phương đã tìm đến giải pháp khiến vợ anh sững sờ là ly hôn.
Qua những dòng tâm sự của những người thuộc phái “khó giãi bày, khó tâm sự và không thích chia sẻ” của đàn ông thì thấy rằng, hóa ra họ cũng cô đơn không kém phần phụ nữ. Xem ra đàn ông không hề ít “tâm sự”, chỉ khác phụ nữ là họ không dễ bộc bạch nỗi niềm mà thôi.
* Còn nữa