Vùng miền núi phía tây tỉnh Quảng Trị là nơi vẫn còn tồn tại những tập tục lạc hậu, những tư tưởng cổ hủ, nặng nề khiến đời sống của đồng bào dân tộc lâm vào hoàn cảnh bi đát. Nơi đây, câu chuyện của những cặp đôi tảo hôn, lấy nhau cận huyết thống hay những lần nhẹ dạ cả tin bị trai bản gạ gẫm làm các cô sơn nữ trở thành mẹ đơn thân… đã trở nên quen thuộc.
Mặc dù chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể đã can thiệp, đi đến từng nhà vận động các thiếu nữ, bà mẹ và trẻ em nhưng với trình độ dân trí thấp, những “lời ru buồn” của bao chàng trai, cô gái vẫn còn tiếp diễn…
Cô dâu 10 tuổi bỏ học theo chồng
Cách thành phố Đông Hà 120km, xã A Vao thuộc huyện miền núi Đakrông là nơi tập trung đông đảo đồng bào dân tộc Pakô sinh sống. Ông Hồ Văn Hùng, Chủ tịch xã, cho biết nơi đây vẫn còn tập tục tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, có trường hợp hy hữu, bé gái mới 10 tuổi đã lấy chồng.
Đó là câu chuyện của em Hồ Thị Xiêm, 12 tuổi, sống tại bản A Sau. Đây là bản xa nhất của xã A Vao, chỉ cách một ngọn núi là đến huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan của nước bạn Lào.
Năm 10 tuổi, đang ở độ tuổi đến trường thì Xiêm bỏ học, nằng nặc đòi lấy chồng. Người chồng của Xiêm là Hồ Văn Un, hơn em 6 tuổi, con trai bà Hồ Thị Ngà. Bà Hồ Thị Nghệ, em gái ruột bà Ngà, chính là mẹ Xiêm. Xét về quan hệ huyết thống, Xiêm và Un là anh em con dì. Nhưng sau lễ cưới theo phong tục của người Pakô năm 2015, Xiêm và Un đã trở thành vợ chồng.
Anh Hồ Văn Ôi - Trưởng thôn A Sau ngậm ngùi kể về câu chuyện buồn nơi thôn bản. Ngày ấy, anh là người chứng kiến từ đầu đến cuối đám cưới của đôi vợ chồng nhí. Khi biết chuyện, anh Ôi báo cho lãnh đạo xã, các thầy cô ở trường Xiêm và cả bộ đội biên phòng đồn Ba Lin đóng tại bản để khuyên can nhưng hai em không đồng ý. Ngày cưới, cô dâu 10 tuổi mặc chiếc váy truyền thống của dân tộc mình, thân hình nhỏ bé khiến chiếc váy tuột xuống nhưng cô bé ngây thơ không biết kéo lên.
Khi được hỏi có ai ép uổng Xiêm phải lấy Un không, Xiêm dứt khoát trả lời: “Em tự nguyện, không cho lấy Un, em sẽ tự tử”. Câu nói ngây ngô nhưng kiên quyết của Xiêm khiến mọi người chẳng dám can ngăn, sợ em làm liều. Ai cũng rơi nước mắt thương cô bé vùng cao “si tình”, trẻ dại.
Tuy lấy nhau nhưng Xiêm không đồng ý cho Un “động phòng”. Hàng đêm, nàng dâu nhí ngủ cùng mẹ chồng, chú rể Un ngủ riêng một mình. Khi hỏi Un không được Xiêm cho ngủ cùng có buồn không. Un chỉ cười ngượng nghịu nói “Dạ có” rồi chạy trốn vào rừng.
Un thật thà chia sẻ, thương mẹ già đau yếu nên em lấy vợ sớm để có người đỡ đần, chăm sóc mẹ. Hằng ngày, Xiêm vẫn cùng mẹ chồng lên nương làm rẫy, cuốc đất trồng sắn để có cái ăn. Thân hình gầy gò, đen nhẻm của cô học sinh tiểu học giờ đã phải cùng gia đình chồng cong lưng ra đồng sớm tối.
Tương lai của đôi vợ chồng trẻ bản A Sau sẽ không biết đi về đâu khi Xiêm chưa học hết tiểu học, Un dù học hết lớp 8 nhưng đã quên hết mặt chữ và vẫn còn ham chơi.
Chú rể 13 tuổi của thôn Ba Lin
Cùng tình trạng với thôn A Sau, thôn Ba Lin cũng là nơi tồn tại nhiều trường hợp cô dâu chú rể kết hôn khi tuổi đời còn quá trẻ.
Ngôi nhà sàn nhỏ lợp lá tranh, vách tre lồ ô là nơi sinh sống của đôi vợ chồng Hồ Văn Dõ (18 tuổi) và Hồ Thị Lúa (21 tuổi). Dõ lấy vợ khi mới 13 tuổi, đến nay đã có 2 người con gái.
Cuộc sống nghèo khó đeo bám cả gia đình quanh năm suốt tháng. Con gái nhỏ 1 tuổi bị bệnh, Dõ và Lúa không có nổi vài đồng mua thức ăn cho con. Hai vợ chồng đành cho bé ăn cháo trắng rắc thêm mấy hạt muối và uống mấy liều thuốc xin miễn phí từ trạm xá.
Giữa ngọn đồi cao của thôn Ba Lin, căn nhà của vợ chồng Dõ nằm chênh vênh, leo lét ánh đèn mờ ảo. Trong nhà không có tài sản nào giá trị ngoài chiếc đèn điện thắp sáng.
Anh Hồ Xông Nhiên - Trưởng thôn Ba Lin cho biết, vợ chồng Dõ siêng năng, chịu thương chịu khó nhưng vì ít đất canh tác, sản xuất nên cuộc sống nghèo vẫn hoàn nghèo. Đây cũng là mẫu số chung của bà con đồng bào Pa Kô, Vân Kiều miền núi Quảng Trị.
Đời mẹ không biết chữ, đời cha chưa học hết lớp 1, khao khát cho con có cái chữ để đổi đời luôn thường trực trong thâm tâm vợ chồng Dõ, Lúa. Nhưng cảnh nghèo khốn khó, cái ăn hàng ngày còn vất vả, những ông bố bà mẹ trẻ này không dám mơ chuyện tương lai con đi học. Họ đành để ngang, đến đâu hay đến đó.
Làm mẹ đơn thân vì những tin nhắn xưng hô "vợ chồng"
Ở độ tuổi 15, em Hồ Thị Mông, sống tại thôn Tà Lao, xã Tà Long (huyện Đakrông) vì nhẹ dạ cả tin mà phải chịu cảnh làm mẹ đơn thân.
Gạt nước mắt, Mông kể, năm lớp 8 đã được sử dụng điện thoại, Mông thường nhắn tin “vợ chồng” với bạn H.V.T – cùng tuổi, hàng xóm cách nhà chưa đầy trăm mét.
Sau thời gian nhắn tin, cả hai bắt đầu làm chuyện người lớn. Suốt một thời gian dài, Mông và T. đã lén lút làm “chuyện vợ chồng” trên rẫy vào ban đêm. Thậm chí, Mông còn chủ động đến nhà cán bộ thôn xin thuốc tránh thai, bao cao su để hết lòng chiều chuộng người yêu.
Đầu năm học lớp 9, Mông phát hiện ra mình đã có thai ở tháng thứ 6. Hốt hoảng, em báo sự việc cho gia đình.
Anh Hồ A Hùng, bố Mông sốc nặng nhưng cũng phải trấn tĩnh, sang nhà T. bàn chuyện cưới xin. Đau xót thay, gia đình T. hoàn toàn phủ nhận nhận máu mủ.
Con Mông sinh thiếu tháng nên bị suy dinh dưỡng nặng. Sinh được 2 tháng, Mông đã để con nhỏ cho em gái út trông, một mình xách cuốc lên nương lao động cả ngày dài.
Từ ngày Mông sinh con, gia đình T. khồng hề có một lời hỏi thăm, ngó ngàng đến đứa con, đứa cháu ruột thịt.
“Em buồn lắm nhưng biết làm sao được, lỗi do em dại dột. Giờ phải cố gắng làm việc để nuôi con chứ không nghĩ được nhiều”, Mông cúi mặt lặng lẽ.