Tôi luôn muốn đưa các con về quê, nhất là vào mỗi dịp Tết. Về nơi tôi đã sinh ra và lớn lên. Tôi muốn các con được tận mắt ngắm nhìn dòng sông, cánh đồng, những con đường, những hàng cây đã bao mùa thay lá.
Tôi muốn các con được biết tuổi thơ của bố mẹ chúng đã trải qua như thế nào. Tôi muốn các con biết rằng khi bằng tuổi chúng bây giờ tôi đã biết làm những gì, đã từng đón những cái Tết ấm áp và vui vẻ ra sao. Dẫu cuộc sống có khó khăn, vất vả nhưng luôn ngập tràn tình yêu thương, lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười.
Quê nhà tôi đó, bình yên và giản dị. Mái ngói nâu, góc sân rêu cổ kính. Mỗi dịp Tết đến xuân về, tôi vẫn nhớ cái cảm giác náo nức của mấy anh em khi chờ bố quét vôi, sửa soạn lại căn nhà. Vẫn là ngôi nhà mình mà thấy sáng loáng như được thay áo mới. Ngửi mùi vôi mới, thơm ngái mà lâng lâng…
Rồi ríu rít giúp mẹ trải nong ra kiểm đếm, lau thật sạch mấy cuộn lá chuối khô chuẩn bị cho mẻ bánh gai sắp tới. Những cuộn lá chuối ấy cũng là chúng tôi đã xé lá khô từ cây rồi cuộn tròn, cất giữ từ những ngày trước đó. Ngày nào cũng ngóng bà đi chợ, hôm nay là mấy thứ hàng khô miến, mộc nhĩ, nấm hương…, mai là chút măng khô, hành, tỏi… Cứ như thế mỗi ngày bà gánh gồng một chút Tết về.
Thi thoảng tôi cũng được bà cho theo đi chợ Tết, trong lúc bà bán hàng thường thì tôi sẽ chạy chơi ngắm chợ. Tôi say mê ngắm từ hàng hoa, hàng quần áo, giày dép rồi xem người ta bán mua rộn ràng.
La cà chán tôi lại về gian hàng của bà, giúp bà đếm những đồng tiền lẻ trả lại khách mua hàng. Hàng của bà chỉ là vài thứ nhỏ nhặt như mấy nải chuối, mớ rau, ít su hào, bắp cải, quả cà chua hái ở vườn nhà. Vui nhất là những ngày cận Tết, khi ông nội chuẩn bị mấy ống giang chẻ lạt cho bà gói bánh.
Bà cẩn thận lựa chọn từng loại lá, sắp xếp các lớp lá từ trong ra ngoài để làm sao có được những chiếc bánh chưng vừa ngon vừa lên màu lá đẹp nhất. Thể nào lúc cuối bà cũng vét nốt chút gạo, đậu và thịt còn lại gói cho mỗi đứa một cái bánh bé bé xinh xinh… Cứ như thế chúng tôi xúm xít vui vầy, đón Tết rộn ràng từ rằm tháng Chạp. Đếm ngược thời gian từng ngày.
Nhưng có lẽ vui và ấn tượng sâu đậm nhất trong tôi về Tết là cảm giác được may áo mới. Cho đến tận giờ tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác hồi hộp, mong đợi và hạnh phúc khi được mẹ dẫn đến nhà cô thợ may ở xóm bên. Cô dùng thước đo tỉ mỉ, rồi tính đếm, ướm vải sẽ may chiếc áo thế nào, đáp cho miếng ren trên ngực ra sao cho thêm xinh. Từ ngày được mẹ dẫn đi may cho tới ngày lấy áo, tôi sống trong cảm giác đợi chờ sung sướng khôn tả.
Áo mới về cũng chưa được mặc ngay, phải đợi đúng sáng mồng một Tết, sau khi cơm nước xong xuôi, mới được diện áo đi chúc Tết. Mặc chiếc áo mới còn thơm mùi vải, vuốt ve, hít hà vui sướng và hãnh diện. Trẻ con ở nông thôn đa phần khó khăn, gần như cả năm mới được may quần áo một lần, còn cứ chia lượt nhau mặc lại quần áo cũ của anh chị em.
Các con bây giờ cuộc sống đủ đầy, chắc khó hình dung nổi niềm vui sướng về một manh quần tấm áo giống như chúng tôi khi xưa. Khi mới lấy áo về, mẹ còn cất sâu trong tủ, ngày nào cũng mở tủ ra ngắm trộm, đợi chờ háo hức.
Tuổi thơ tôi bình yên trôi qua như thế. Những cái Tết giản dị mà đầm ấm. Bây giờ cuộc sống của các con khác nhiều, rất nhiều… Tôi vẫn ao ước chúng được một lần nếm trải những gì tôi đã từng trải qua. Đủ để biết hương vị tuổi thơ ở quê nhà, hiểu những ngày Tết cổ truyền xa xưa của ông bà, bố mẹ. Được một lần hiểu cảm giác thiếu thốn của trẻ em miền quê, cảm giác thèm một manh áo mới… Để biết trân trọng những gì chúng có hôm nay. Và hơn hết để các con biết yêu thương, đùm bọc, sẻ chia cùng nhau. Trân trọng hơn những cái Tết ấm cúng, sung túc, đủ đầy của các con hôm nay.
Độc giả Hồng Thắm