Liên tiếp các ca ngộ độc thuốc
Theo ThS.BS Cao Việt Hưng – Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc– Trung tâm Sản Nhi, Phú Thọ khoa vừa tiếp nhận cháu bé vào cấp cứu trong tình trạng suy gan cấp.
Người nhà cháu bé kể thấy con ho hắng uống thuốc kháng sinh không đỡ. Khi ho, sốt kèm theo nhiệt miệng nên bố mẹ mua thuốc nam về cho bé uống kèm theo tưa lưỡi bằng thuốc cam để trị nhiệt miệng. Hai ngày sau đó, trẻ vẫn ốm nặng thêm kèm theo tình trạng mệt mỏi, bụng chướng to, da vàng. Gia đình vội vàng đưa bé vào viện cấp cứu. Bác sĩ tuyến huyện thấy bé trong tình trạng suy gan cấp nên giới thiệu lên tuyến trên.
Bác sĩ Hưng cho biết kết quả xét nghiệm của bé N. đó là rối loạn đông máu, men gan tăng cao, chỉ số bilirubin tăng và thiếu máu nghiêm trọng. Nguyên nhân được xác định do trẻ bị ngộ độc thuốc nam. Đặc biệt, gói thuốc nam gia đình mang tới, bác sĩ cho quét qua Xquang có hình ảnh phản quang kim loại. Bác sĩ nghi ngờ trong thuốc này có chì nên cho làm xét nghiệm chì cho bé N.
Kết quả, hàm lượng chì trong máu của bé N. tăng cao đột biến gấp 13 lần bình thường. Bác sĩ chẩn đoán bé suy gan cấp do ngộ độc chì, ngộ độc thuốc nam.
Điều đáng tiếc đây không phải lần đầu tiên các bác sĩ cấp cứu trẻ bị suy gan cấp do sử dụng thuốc nam, thuốc cam không rõ nguồn gốc.
Trẻ được bác sĩ cấp cứu tại Trung tâm sản nhi - Ảnh BSCC
Bác sĩ Hưng cho biết cách đó chỉ 1 tháng, khoa cũng tiếp nhận cháu bé 3 tháng tuổi cũng bị suy hô hấp nặng, nhiễm trùng, vàng da ứ mật, thiếu máu. Qua khám xét và tổng hợp các kết quả cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị suy hô hấp độ III – viêm phổi nặng.
Theo người nhà cháu bé thấy con sốt, ho hắng không cho bé tới bác sĩ mà gia đình đã đến nhà thầy nam mua thuốc đông y về cho bé và mẹ cùng uống. 3 ngày sau thấy tình trạng của trẻ nặng hơn. Gia đình vội vàng đưa bé đến Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Thấy tình trạng trẻ nặng nên các bác sĩ đã giới thiệu lên tuyến trên.
Bác sĩ Hưng kể trường hợp của cháu bé này các bác sĩ cũng toát mồ hôi khi cấp cứu cho cháu. Bé vào viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, bác sĩ cấp cứu theo phác đồ hồi sức tuần hoàn, đặt monitor theo dõi… Tuy nhiên, tình trạng của bệnh nhi nặng lên và không đáp ứng với thở máy và bé rơi vào tình trạng sốc. Các bác sĩ đã phải mở nội khí quản để cho bé được thở và sử dụng các thuốc hỗ trợ tim mạch để duy trì huyết áp.
Dù cấp cứu bằng các phác đồ tiên tiến nhất nhưng tình trạng vẫn rất nặng. Bé nhanh chóng rơi vào tình trạng suy đa tạng. Các bác sĩ đã phải sử dụng lọc máu để hỗ trợ cho cháu bé thải các chất độc và duy trì tuần hoàn. Phải qua 24h cấp cứu, tình trạng trẻ mới tiến triển tốt hơn.
Cha mẹ đừng hại con
Bác sĩ Hưng cho biết thói quen sử dụng thuốc nam, thuốc cam ở các vùng quê còn rất nhiều và dẫn đến tình trạng ngộ độc thuốc như hai trường hợp trên không phải là hiếm. Các bé may mắn được cứu sống. Nếu không cấp cứu kịp thời có thể tử vong. Đặc biệt, nếu trường hợp sử dụng thuốc nam, thuốc cam có chứa chì còn có thể gây ngộ độc chì trường diễn ảnh hưởng trực tiếp tới trí tuệ, sức khoẻ của các cháu. Bởi vì các chất độc này đi vào máu, vào não, vào các tạng của người bệnh.
Thạc sĩ, bác sĩ Cao Việt Hưng - Ảnh BSCC
Theo nghiên một cứu của Bệnh viện Nhi Trung ương, có đến 44% các gia đình tự ý đi mua thuốc điều trị khi con ốm điều này như con dao hai lưỡi và đa phần người gánh hậu quả chính là các cháu bé.
Bác sĩ Hưng khuyến cáo, các bậc cha mẹ khi con có dấu hiệu sốt, ho, viêm phế quản không nên tự điều trị mà cho trẻ đi khám bác sĩ để được tư vấn tốt hơn. Đặc biệt, không nên sử dụng các loại thuốc nam, thuốc gia truyền tự nấu không rõ nguồn gốc, chất lượng có thể gây ảnh hưởng tới gan của các cháu. Không chỉ thuốc nam, các loại thuốc tân dược hiện nay cũng có thể gây hại cho gan. Đối với bất cứ thuốc gì, bác sĩ Hưng khuyến cáo phụ huynh nên dùng thuốc theo đơn, đúng liều lượng và đúng hướng dẫn, không được tự ý dùng thuốc.