Mụn là bệnh lý về da phổ biến, nguyên nhân có thể do môi trường ô nhiễm, thói quen sống không lành mạnh, mất cân bằng nội tiết tố. Khi mụn hình thành thường tồn tại dưới dạng túi nhỏ chứa bã nhờn, vi khuẩn và chất gây viêm. Chính vì thế việc gãi, sờ hay nặn mụn đều có thể đẩy chất này tràn ra vùng da xung quanh khiến tình trạng nặng hơn. Nếu bị nhiễm trùng về lâu dài sẽ khiến làn da bị thâm và để lại sẹo vĩnh viễn.
Bên cạnh đó, các chuyên gia về sức khỏe cũng như da liễu cho rằng việc nặn mụn có thể gây tử vong. Nghe thì có vẻ phi lý nhưng theo nghiên cứu thì trên khuôn mặt mỗi người đều có một khu vực gọi là “tam giác chết”. Khu vực này bao gồm từ 2 khóe mắt chạy dọc xuống khóe mũi, miệng và phần môi trên. Ở khu vực này các mạch máu đều có liên kết và chảy ngược về đầu, kết nối trực tiếp với não bộ.
Trong khi đó, khi nặn mụn thì đa phần mọi người đều không vệ sinh sạch sẽ đôi tay hoặc sát trùng dụng cụ nặn mụn. Từ đó tạo điều kiện khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào vết thương dẫn đến viêm nhiễm. Trong trường hợp vi khuẩn xâm nhập vào khu vực “tam giác chết” thì có thể đe dọa thực sự cho não. Nếu những dấu hiệu nhiễm trùng ở khu vực này không được điều trị đúng cách và nhanh chóng thì tình trạng này có thể tạo ra những cục máu đông, áp – xe não, viêm màng não, tê liệt dây thần kinh dẫn đến mất thị lực.
Tiến sĩ Vishal Maden chuyên về da liễu tại bệnh viện Hoàng gia Salford ở Manchester (Anh) đã cảnh báo việc nặn mụn không chỉ để lại sẹo, các vết thâm trên mặt mà nó còn có thể dẫn tới tình trạng viêm nhiễm nghiêm trọng. Thậm chí thói quen nặn mụn ở vùng “tam giác nguy hiểm” còn có thể gây ra chết người. Chính vì thế nếu trong khu vực “tam giác chết” có những loại mụn bọc, có mủ, sưng to hay mụn đinh râu thì chỉ nên bôi thuốc cho mụn xẹp nhanh, tránh chạm tay thường xuyên để mụn không bị nhiễm trùng.