Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ, chúng ta hiện ghi nhận tới 3.500 loại muỗi khác nhau. Tuy nhiên, chỉ một số loại muỗi nhất định đốt người. Ngoài ra, chỉ muỗi cái mới đốt bạn do chúng cần máu để làm nguồn cung cấp protein cho trứng.
Để lấy được máu của chúng ta, muỗi dùng vòi chích vào da vật chủ dẫn đến vết cắn có thể gây ngứa, sưng, thậm chí gây bệnh nghiêm trọng. Tiêu biểu trong số này là sốt xuất huyết.
Tình trạng ngứa và sưng do muỗi đốt có thể kéo dài trong vài ngày. Việc gãi ngứa thậm chí có thể dẫn đến nhiễm trùng. Một số trường hợp còn có nguy cơ phản ứng dị ứng và sốc phản vệ.
Tuy nhiên, chúng ta đôi khi có thể quan sát thấy muỗi chỉ đốt một số người nhất định trong nhóm dù cùng ở chung không gian.
Những yếu tố thu hút muỗi
Theo tiến sĩ Jagdish Khubchandani, giảng viên sức khỏe cộng đồng tại Đại học bang New Mexico (Mỹ), các yếu tố trên cơ thể người thu hút muỗi đã được thảo luận trong một vài nghiên cứu trên thế giới.
Cụ thể, các nghiên cứu này đã tìm hiểu về mùi cơ thể, màu sắc, nhiệt độ và kết cấu của da người, các vi sinh vật sống trên da, tình trạng mang thai, hơi thở, nồng độ cồn và chế độ ăn.
“Kết quả cho thấy phụ nữ mang thai, những người có nhiệt độ cơ thể cao, lượng mồ hôi lớn, có đa dạng vi khuẩn trên da, da sẫm màu có khả năng bị muỗi đốt nhiều hơn”, vị chuyên gia cho biết.
Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản như vậy. Trên thực tế, một số loại hóa chất thu hút muỗi đã được chứng minh là có khả năng xua đuổi các loài động vật khác. Trong khi đó, con người có thể sản sinh ra hàng nghìn loại hóa chất khác nhau. Việc tìm ra loại hóa chất nào ảnh hưởng đến hành vi của muỗi là rất khó khăn.
CO2
Cùng với các loài động vật khác, con người cũng thải ra khí CO2, nhiệt và độ ẩm trong quá trình hô hấp. Những yếu tố này được cho là có khả năng thu hút muỗi.
Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy 3 loài muỗi mang các mầm bệnh khác nhau bị thu hút bởi CO2. Tuy nhiên, mọi người đều thở ra CO2. Do đó, điều này không giải thích được lý do khiến muỗi chỉ đốt một số người.
Một nghiên cứu khác đăng tải trên PloS One năm 2015 cho rằng lượng CO2 thải ra càng cao, mức độ thu hút muỗi của người đó sẽ lớn hơn.
Axit lactic
Các nghiên cứu năm 2008 đã xác định axit lactic là một chất hóa học có khả năng thu hút muỗi. Chất này sinh ra khi chúng ta tập luyện thể dục, thể thao. Axit lactic còn được một số nhà khoa học nhận định là gây mùi đặc trưng của con người với muỗi.
Từ đây, các chuyên gia cũng khuyến cáo mọi người nên rửa sạch tay bằng xà phòng và lau khô sau khi tập thể dục.
Vi khuẩn trên da
Trên thực tế, cơ thể người được bao phủ bởi hàng triệu vi khuẩn trên da. Chúng là yếu tố quan trọng giúp bảo vệ làn da. Tuy nhiên, một nghiên cứu vào năm 2011 đã kết luận những người có sự đa dạng trong hệ vi sinh vật trên da cao sẽ ít thu hút muỗi hơn nhóm còn lại.
Hệ sinh vật này bị ảnh hưởng bởi gene di truyền, tuổi tác, hệ miễn dịch. Đây đều là những yếu tố chúng ta không thể thay đổi. Dẫu vậy, chúng ta có thể phần nào giảm thiểu nguy cơ muỗi đốt thông qua các sản phẩm làm sạch và dưỡng ẩm cho da.
Nhóm máu
Trong quá khứ, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để đánh giá nhóm máu có ảnh hưởng tới khả năng một người bị muỗi đốt hay không. Kết quả cho thấy những người nhóm máu A ít thu hút muỗi hơn. Mặt khác, người nhóm máu O có số lượng muỗi tiếp cận cao gần gấp đôi.
Tuy nhiên, trong trường hợp muỗi mang ký sinh trùng sốt rét, người nhóm máu O lại ít có khả năng mắc bệnh diễn biến nặng hơn so với những nhóm còn lại.
Sự thật về việc “chỉ mình tôi bị muỗi đốt”
Một giả thuyết đã được đưa ra về vấn đề này khi các nhà nghiên cứu cho rằng trên thực tế, mọi người đều bị muỗi đốt. Tuy nhiên, một số người không phản ứng với các vết muỗi đốt khi không có biểu hiện ngứa hay sưng.
TS Khubchandani nhận định: “Mọi người đều có thể bị muỗi đốt nhưng phản ứng của chúng ta khác nhau. Điều này phụ thuộc vào loại muỗi, hệ miễn dịch, hành vi của người bị đốt như phớt lờ hay để tâm tới vết muỗi đốt”.
Để phòng tránh nguy cơ bị muỗi đốt, một trong những biện pháp được các nhà khoa học gợi ý là mặc quần áo sáng màu. Cụ thể, màu xanh lá cây, xanh lam, cam và vàng đã được chứng minh có tác dụng xua đuổi côn trùng.
Ngoài ra, chúng ta cũng có thể sử dụng thêm các loại thuốc chống côn trùng hoặc sả, bạc hà…
Việc phát quang bụi rậm, dọn dẹp các nơi có nước đọng, ẩm thấp cũng là giải pháp hữu hiệu giúp hạn chế khả năng sinh sản của muỗi.