Bệnh nhân nữ (60 tuổi), có tiền sử uống thuốc nam điều trị sỏi thận. Sau khi dùng thuốc được 10 ngày, bệnh nhân xuất hiện tổn thương da rải rác tay chân, sau đó nhanh chóng lan toàn thân. Trước đấy, bệnh nhân khỏe mạnh, chưa phát hiện tiền sử dị ứng thuốc. Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Da liễu trung ương được chẩn đoán dị ứng thuốc và chỉ định nhập viện điều trị.
BS Nguyễn Thị Thảo Nhi - Khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em (Bệnh viện Da liễu trung ương) lý giải, dị ứng thuốc là phản ứng không mong muốn của thuốc do đáp ứng miễn dịch đặc hiệu của cơ thể đối với thuốc. Dị ứng thuốc được chia thành nhiều thể với mức độ nặng khác nhau. Hoại tử thượng bì nhiễm độc là một phản ứng nặng của da và niêm mạc, nguyên nhân phổ biến nhất là dị ứng thuốc.
“Ở Việt Nam, do thói quen tự ý sử dụng thuốc điều trị, không theo chỉ định của bác sĩ, nên tỷ lệ dị ứng thuốc còn cao và nhiều bệnh nhân khi bị dị ứng không biết rõ mình bị dị ứng thuốc gì để phòng tránh. Các loại thuốc đông y (không theo chỉ định của bác sĩ) thường không có thành phần rõ ràng, khi bị dị ứng sẽ không biết rõ thành phần chính gây dị ứng để phòng tránh” - BS Nhi cho hay.
Theo chuyên gia, bệnh nhân dị ứng thuốc thể nặng cần được điều trị và theo dõi chặt chẽ tại bệnh viện chuyên khoa, nằm trong phòng riêng cách ly, chăm sóc da đặc biệt để giảm nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm độc. Nếu không điều trị kịp thời, tổn thương da lan tỏa sẽ gây đau rát, mệt mỏi, tổn thương niêm mạc miệng gây khó khăn trong ăn uống, tổn thương da hoại tử diện rộng gây mất nước, mất dịch qua da và rất dễ nhiễm khuẩn da gây nhiễm khuẩn huyết, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.
Bác sĩ khuyến cáo, nên đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và kê đơn thuốc điều trị thích hợp. Khi có dấu hiệu nghi ngờ dị ứng thuốc như khó thở, đau bụng, nổi ban đỏ, sẩn phù, bọng nước… nên dừng ngay thuốc đang uống và đi khám tại các cơ sở y tế gần nhất.