Thói quen thích làm thầy thuốc
PGS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết hầu như 10 bệnh nhi tới khám bác sĩ thì có tới 8 cháu đã được cha mẹ cho sử dụng thuốc trước đó và những viên thuốc mua ở nhà thuốc đều là kháng sinh đã được nhân viên bán thuốc tư vấn cho dùng.
Các cháu đó có thể chỉ là sốt vi rút, ho do nhiễm vi rút hoặc triệu chứng ốm nào đó nhưng tất cả đều quy về kháng sinh và được sử dụng đến khi bệnh không đỡ mới đến bác sĩ.
PGS Dũng cho rằng đó là kịch bản chung cho các bệnh nhi khi tới khám bác sĩ. Trong khi đó số cháu phải sử dụng kháng sinh chỉ chiếm 10%, còn lại các cháu bị viêm họng, ho, sốt do vi rút không cần điều trị kháng sinh.
PGS Dũng mới cấp cứu cho bệnh nhi bị viêm phổi và mắc phải vi khuẩn kháng thuốc. Với cháu bé này, nếu trước đây chỉ sử dụng kháng sinh bình thường 6 – 7 ngày sẽ khỏi nhưng cháu điều trị lâu dài vì vi khuẩn kháng thuốc các kháng sinh đều không có tác dụng, chụp Xquang phổi trắng xoá, bác sĩ phải kết hợp 2 – 3 loại kháng sinh thế hệ mới cùng lúc để điều trị.
Kháng sinh là loại thuốc đặc biệt, kháng sinh là “con dao hai lưỡi”… nếu dùng tốt, dùng đúng thì khỏi bệnh còn dùng sai vô cùng nguy hiểm cho cả người dùng và cộng đồng.
PGS Dũng cho biết nếu sử dụng lạm dụng kháng sinh thì trong cơ thể sẽ sinh ra vi khuẩn kháng kháng sinh trên da, trong hệ tiêu hóa… Khi sống chung trong một gia đình, vi khuẩn này có thể lây sang cho người khác và người đó không sử dụng kháng sinh cũng mắc phải vi khuẩn kháng kháng sinh.
Ngoài ra, PGS Dũng lo ngại nữa đó là gia súc và gia cầm khi được chăn nuôi bằng kháng sinh cũng sẽ tồn dư kháng sinh trong thịt. Khi người tiêu dùng sử dụng thì sẽ sử dụng kháng sinh từ những thực phẩm này gây nên tình trạng kháng kháng sinh dù không uống kháng sinh.
Nguy cơ không thuốc chữa
PGS. TS Đoàn Mai Phương - nguyên Trưởng khoa Vi sinh, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ vi khuẩn kháng kháng sinh đang là mối quan tâm của cả thế giới. 10 năm qua, chỉ có một vài kháng sinh được ra đời, trong khi đó tỷ lệ kháng kháng sinh đang tăng, tại một số nước tăng không thể kiểm soát.
PGS Phương cảnh báo, thiệt hại về kinh tế và con người do mối đe dọa toàn cầu này sẽ còn nặng nề hơn ở các nước có thu nhập trung bình và thấp. Ước tính có 700 nghìn người thiệt mạng hàng năm trên toàn thế giới do kháng thuốc. Đến năm 2050, con số này có thể sẽ tăng lên đến 10 triệu người.
Thói quen sử dụng kháng sinh như hiện nay vô cùng nguy hiểm. Nó không chỉ làm cho vi khuẩn kháng thuốc mà còn khiến vi khuẩn kháng thuốc lây truyền nhanh hơn.
Trong khi đó, PGS Hương cho rằng để biết một người có nhiễm vi khuẩn hay vi rút thì phải thực hiện kháng sinh đồ và để biết vi khuẩn có thực sự kháng kháng sinh hay không. Hay do sử dụng liều không đúng thì chỉ phòng xét nghiệm vi sinh thực hiện được.
Hiện nay có nhiều vi khuẩn kháng kháng sinh, trong đó đặc biệt là vi khuẩn E.coli kháng kháng sinh Carbapenem - một loại kháng sinh được coi là vũ khí cuối cùng để điều trị. Tỷ lệ kháng kháng sinh của con vi khuẩn này đang tăng 30-40%. Nếu không kiểm soát chặt kháng kháng sinh thì việc lan truyền gen đề kháng kháng sinh Carbapenem sang các vi khuẩn khác cũng tăng lên nhanh chóng
Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc vi khuẩn đa kháng, kháng mở rộng, toàn kháng. Nếu bệnh nhân mắc phải những loại vi khuẩn này thì các bác sĩ không còn kháng sinh điều trị, chỉ hy vọng vào sức đề kháng của bệnh nhân có chống đỡ được bệnh tật của chính họ - bác sĩ Phương nói.