Nhiễm vi khuẩn ăn thịt người
Theo thông tin từ báo người lao động: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết tại đây đã tiếp nhận, điều trị một số ca bệnh Whitmore nặng. Gần đây nhất là nam bệnh nhân 63 tuổi, có tiền sử đái tháo đường, từng sống trong vùng ngập lụt miền Trung, nhập viện sau 2 tháng bị sốt, ho, khó thở.
Được biết, thời gian gần đây người đàn ông này đang được điều trị tại một bệnh viện tuyến huyện và, trong thời gian điều trị ông được các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh viêm phổi. Vừa rồi ông bắt đầu có những biểu hiện lạ, tình trạng sức khỏe cũng ngày càng yếu hơn. Lúc này các bác sĩ đã làm thủ tục chuyển viện lên tuyến trên để được điều trị. Khi đến bệnh viện ông đang trong tình trạng sốt cao và khó thở.
Sau khi được thăm khám và làm các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán xác định nhiễm khuẩn huyết do Burkholderia pseudomallei có nhiều ổ nhiễm khuẩn khu trú (viêm phổi diện rộng 2 bên, áp xe cơ nhiều nơi).
Ông được đưa vào phòng hồi sức tích cực kiểm soát đường máu và các rối loạn nội môi, phẫu thuật dẫn lưu ổ áp-xe ở các khối cơ, nuôi dưỡng tích cực. Sau gần 2 tháng điều trị tại bệnh viện hiện tại tình hình bệnh của ông đã bắt đầu hội phục, ông đã tỉnh táo trở lại và hô hấp tốt hơn trước.
Vi khuẩn Whitmore là gì?
Bệnh Whitmore (còn có tên gọi khác là Melioidosis, hay “vi khuẩn ăn thịt người”) là bệnh nhiễm trùng cực kỳ nguy hiểm ở người và động vật do vi khuẩn gram âm Burkholderia pseudomallei gây ra.
Người nhiễm Whitmore có tỷ lệ tử vong cao từ 40-60%, thậm chí có thể tử vong trong vòng 1 tuần kể từ khi phát bệnh. Cách suy nghĩ về bệnh “ăn thịt người” phải được hiểu đúng là do vi khuẩn có thể làm hoại tử và chết các mô trong cơ thể, ở da thì viêm loét hay áp xe, ở phổi thì gây viêm phổi, trong máu thì gây nhiễm trùng máu,… Đáng lo ngại nhất là việc chẩn đoán bệnh thường khó và dễ nhầm lẫn, diễn biến khó lường nên người dân thường chủ quan với bệnh.