Ngày 14/10 vừa qua, hàng loạt trang tin tức nổi tiếng ở Trung Quốc đưa tin về trường hợp của một người đàn ông 45 tuổi, sống ở tỉnh Giang Tô bị tiêu chảy nặng sau khi ăn những thực phẩm để qua đêm.
Ngày đầu tiên, anh ta bị tiêu chảy 4-5 lần/ngày. Tuy nhiên đến ngày hôm sau tần suất tiêu chảy nhiều hơn, đến hàng chục lần, khiến người đàn ông kiệt sức, mệt mỏi phải vào viện cấp cứu. Trong lúc đang truyền dịch tại bệnh viện, nhịp tim của người đàn ông này chậm dần và cuối cùng tử vong.
Theo phân tích của bác sĩ, việc bệnh nhân này tiêu chảy liên tục xuất phát từ thói quen sử dụng các món ăn thừa trong tủ lạnh. Thức ăn thừa có thể chứa nhiều vi khuẩn gây tiêu chảy nặng, sau đó gây viêm ruột cấp tính.
Nhiều người hẳn sẽ thắc mắc rằng tiêu chảy là bệnh vặt, vì sao lại có thể gây tử vong? Thực tế, trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới do Tổ chức Y tế Thế giới công bố năm 2019, bệnh tiêu chảy đứng thứ 8.
Tiêu chảy chủ yếu được chia thành 2 loại:
- Tiêu chảy mãn tính: Thường xuất hiện do viêm teo dạ dày mãn tính, viêm loét đại tràng, viêm túi mật mãn tính…
- Tiêu chảy cấp: Hầu hết các trường hợp tiêu chảy cấp có liên quan đến nhiễm trùng do vi khuẩn, virus hoặc nấm do ăn thức ăn lạnh hoặc thức ăn hư hỏng, ngoài ra còn có việc lạm dụng thuốc kháng sinh, ngộ độc thực phẩm chứa asen, chì, thủy ngân...
Tiêu chảy nặng có thể gây mất nước và chất điện giải, dẫn đến rối loạn ý thức, đột quỵ, nhồi máu cơ tim và tử vong rất nhanh. Đặc biệt người cao tuổi, người cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu cao nên cẩn thận với triệu chứng tiêu chảy vì sẽ có nguy cơ biến chứng cao hơn.
5 món ăn để qua đêm càng để lâu càng nguy hiểm
1. Rau xanh để qua đêm
Hàm lượng nitrat trong rau xanh tương đối cao, sau một thời gian nitrat sẽ bị biến đổi thành nitrite, có thể gây ung thư cho cơ thể người. Nitrite trong rau để qua đêm dù không thể gây ung thư ngay trong lần đầu ăn nhưng có thể gây hại cho sức khỏe. Hơn nữa sau một đêm, rau xanh cũng không còn giữ được các chất dinh dưỡng quý báu nữa.
2. Đậu phụ
Đậu phụ sau khi nấu chín và để qua đêm, dù cho có được cất trữ trong tủ lạnh cũng sẽ chuyển hóa thành các chất độc hại khác, tạo môi trường cho các vi sinh vật nguy hiểm phát triển. Điển hình là vi khuẩn clostridium botulium - một loại vi khuẩn chứa lượng độc tố lớn, mạnh gấp nhiều lần chất độc kali xyanua, có thể khiến con người bị liệt thần kinh, gây tử vong.
3. Trứng luộc
Theo chuyên gia dinh dưỡng Trương Tân Ý, thời điểm tốt nhất để ăn trứng luộc là từ 1-2 giờ sau khi nấu chín.
Bạn không nên để trứng qua đêm, đặc biệt là loại trứng lòng đào bởi chúng có khả năng sản sinh ra vi khuẩn staphylococcus aureus (tụ cầu vàng), nếu xâm nhập vào phổi có thể gây viêm phổi, khi vào xương có thể gây viêm tủy xương.
4. Súp để qua đêm
Với món súp, các bà nội trợ thường có thói quen làm một nồi lớn để ăn dần trong nhiều ngày. Thế nhưng thói quen này rất nguy hiểm. Súp nóng khi được đựng trong nồi kim loại (nhôm, sắt) sẽ tạo môi trường cho các chất gây hại kết tủa lại. Hơn nữa, súp là hỗn hợp chứa nhiều dinh dưỡng quý giá như thịt, trứng, nấm... nguồn dinh dưỡng quý giá này nếu để lâu thì chính là một "ổ" vi khuẩn sinh sôi. Cuối cùng ăn vào lại khiến cả nhà dễ bị ngộ độc thực phẩm hơn.
5. Sữa đậu nành để qua đêm
Thời hạn sử dụng của sữa đậu nành rất ngắn nên không thích hợp để bảo quản lâu, nếu để qua đêm vi khuẩn trong sữa sẽ tăng lên rất nhiều và gây ra vị chua. Sữa đậu nành tốt nhất không nên uống khi đã được bảo quản quá 12 tiếng.
Các chuyên gia sức khỏe khuyên rằng tốt nhất là chúng ta không nên nấu quá nhiều thức ăn trong một lúc để hạn chế việc sử dụng lại thức ăn thừa. Nếu không ăn hết, thức ăn thừa cần được đựng trong những hộp có nắp kín và sử dụng trong ngày.