Đó là trường hợp của anh N.X.H. (44 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM). Khai thác bệnh sử, 7 ngày trước khi nhập viện, anh chở mèo cưng đi chơi thì bị nhiều con chó lao ra sủa. Bị giật mình, mèo cắn vào ngón trỏ tay trái của người đàn ông.
Bất ngờ nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người" biến chứng nặng
Nghĩ mèo đã tiêm vaccine phòng bệnh dại, anh H. không rửa tay, sát khuẩn vết thương ngay. Chưa đầy 2 tiếng, ngón tay của anh sưng đỏ và mưng mủ, đau nhức, giật liên hồi.
Dù hôm sau, người đàn ông đi tiêm vaccine phòng bệnh dại và uốn ván, đồng thời uống kháng sinh nhưng ngón tay vẫn đau nhức. 3 ngày sau, anh H. sốt cao trong đêm kèm đau nhức toàn thân. Trước tình trạng này, gia đình đã đưa bệnh nhân đi cấp cứu.
Thời điểm nhập viện, anh H. trong tình trạng sốt cao, đau nhức cơ và các khớp tay chân, đau lưng, có vết thương sưng mưng mủ ở ngón trỏ tay trái, khó thở…
Vì mèo và người bệnh đã được tiêm các vaccine dại, uốn ván, bác sĩ nghĩ nhiều đến khả năng nhiễm trùng huyết do vi khuẩn hoặc virus tấn công.
Ngay lập tức, bệnh nhân được truyền kháng sinh, truyền dịch, thở oxy và cấy máu, xét nghiệm chức năng gan thận, đông máu.
Kết quả cấy máu phát hiện, bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei làm nhiễm trùng nặng, chức năng gan, thận giảm, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu. Đồng thời, anh H. còn bị tiểu đường type 2.
Vì đường huyết cao không được kiểm soát khiến tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân dễ diễn tiến nặng. Nếu điều trị chậm hơn 1 ngày, anh H. có nguy cơ rơi vào hôn mê, sốc nhiễm trùng, suy đa tạng, hoại tử ruột, thậm chí tử vong.
Dù được điều trị tích cực sớm bằng kháng sinh, điều chỉnh đường huyết, dịch truyền ngay trong ngày đầu nhập viện nhưng do vi khuẩn Burkholderia trong tồn tại trong máu lâu, đã tấn công cơ thể từ trước, làm anh H bị biến chứng tổn thương đa cơ quan, rối loạn đông máu…
Hội chẩn trong ngày thứ 2 nhập viện, các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu (ICU) và Nội tổng hợp thống nhất cần thay huyết tương cấp cứu cho bệnh nhân. Chỉ sau 1 lần thay huyết tương, tình trạng người đàn ông ổn định hơn, các chỉ số xét nghiệm viêm hay chức năng cơ quan dần hồi phục.
Một ngày sau đó, anh H. hết mệt, tỉnh táo hơn, không còn đau nhức cơ và khớp, chức năng đông máu hồi phục, chức năng gan thận ổn.
Khuyến cáo từ bác sĩ
Bác sĩ chuyên khoa 1 Trịnh Hoàng Nguyên, khoa ICU cho biết, vi khuẩn Burkholderia pseudomallei thường được gọi là "vi khuẩn ăn thịt người", nguyên nhân gây ra bệnh Whitmore.
Ở những nơi điều kiện y tế khó khăn, phát hiện và điều trị trễ, nguy cơ tử vong do căn bệnh này là hơn 40%.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã đưa Whitmore vào danh sách bệnh nguy hiểm hàng đầu, gây hoại tử nhiều cơ quan, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Theo bác sĩ Nguyên, vi khuẩn Burkholderia pseudomallei tồn tại trong nước và đất bị ô nhiễm, tập trung chủ yếu ở các nước có khí hậu nhiệt đới, đặc biệt ở Đông Nam Á, miền bắc nước Úc.
Bất kỳ ai cũng có thể nhiễm bệnh Whitmore, thông qua hít hoặc uống nước bị ô nhiễm, bụi bẩn, đặc biệt thông qua các vết trầy xước trên da. Hiếm khi người bệnh bị mắc Whitmore do lây truyền từ người khác. Bên cạnh con người, nhiều loài động vật dễ bị nhiễm bệnh Whitmore, như cừu, dê, heo, ngựa, mèo, chó…
"Anh H. đã không sát trùng ngay sau khi mèo cắn mà tiếp tục bưng bê đồ đạc, tiếp xúc với môi trường đất, nước xung quanh.
Có thể anh nhiễm bệnh vì môi trường xung quanh chứa nguồn bệnh, chứ không phải từ mèo. Mèo chỉ là vật trung gian cắn tạo vết thương cho vi khuẩn xâm nhập", bác sĩ Nguyên phân tích.
Để phòng bệnh Whitmore, bác sĩ khuyến cáo người có vết thương ngoài da, người mắc bệnh tiểu đường, suy thận mạn, suy gan, suy giảm miễn dịch… nên tránh tiếp xúc trực tiếp với đất và vũng nước đọng. Nông dân nên mang ủng khi đi xuống ruộng, giúp ngăn ngừa nhiễm trùng qua chân.
Với nhân viên y tế nên sử dụng mặt nạ, găng tay, áo choàng khi tiếp xúc với người bệnh nhiễm Whitmore. Ngoài ra, người dân khi bị mèo, chó cắn cần rửa vết thương ngay, thay băng mỗi ngày, băng bảo vệ vết thương khi làm việc.