Trước bà Giang, màn ảnh Việt cũng có những bà mẹ chồng khiến muôn vạn cô gái muốn được làm con dâu.
Nói về mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu trên phim Việt thì có vô số những điều để bàn tán và luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều nhà làm phim. Những bộ phim như: Mẹ chồng, Sống chung với mẹ chồng, Phận làm dâu,... cùng cách xây dựng nhân vật nhà chồng có phần... thái quá khiến cho khán giả có suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống hôn nhân.
Đáng mừng là giữa cơn sốt chê bai vẫn còn rất nhiều bộ phim mang đến cho khán giả góc nhìn tích cực hơn về loạt nhân vật siêu đáng yêu nơi nhà chồng. Chính những bà mẹ chồng "quốc dân" này khiến các cô gái thôi có cái nhìn ác cảm về mẹ chồng nàng dâu, cuộc sống sau khi kết hôn và những mâu thuẫn muôn thuở này.
Bà Giang - Về nhà đi con
Đi ngược lại đám đông, bộ phim đình đám nhất màn ảnh nhỏ hiện nay là "Về nhà đi con" lại xây dựng tuyến nhân vật mẹ chồng theo kiểu hoàn hảo "hết phần thiên hạ". Không những giàu có, hào phóng mà còn thương yêu, đầy tâm lý với con dâu, bà Giang Ngân Quỳnh thủ vai) xóa bỏ hoàn toàn mọi quan ngại về định kiến mẹ chồng nàng dâu muôn đời vẫn thế.
Đầu tiên, bà Giang không bao giờ thiên vị con trai, hạch sách con dâu. Bà thấu hiểu và luôn quan tâm đến cảm giác của Thư (Bảo Thanh), luôn chủ động trò chuyện để hai mẹ con có thể hiểu nhau nhiều hơn. Bà Giang cũng là người rất cởi mở và trẻ trung, thậm chí bà còn cùng Thư hùa nhau... nói xấu Vũ (Quốc Trường).
Đâu chỉ có vậy, bà Giang còn cực kỳ tâm lý, thoải mái và chiều chuộng con dâu. Khác với những người phụ nữ cùng thế hệ, bà Giang không quá quan trọng chuyện nữ công gia chánh, không bao giờ áp đặt Thư phải chu toàn việc nhà. Chính bởi vậy mà Thư có thể thoải mái chia sẻ chuyện mình không giỏi nấu nướng, càng thoải mái hơn trong việc theo mẹ chồng học bí kíp làm người vợ hiền. Bà cảm thông khi Thư làm sai, an ủi khi Thư buồn và là điểm tựa duy nhất cho Thư trong những tháng ngày Vũ sắm vai kẻ phụ bạc.
Chưa dừng lại tại đó, bà Giang còn khiến dân tình đổ rạp vì màn đánh ghen quá sang của mình thay con dâu. Vì muốn giữ hạnh phúc cho con, bà đã thay Thư gặp Nhã – mối đe dọa đến hạnh phúc gia đình con bà để "cảnh cáo" nhẹ nhàng. Là một người từng "vào sinh ra tử" với bố Luật, cùng chồng trải qua những năm tháng thăng trầm của tuổi trẻ, bà Giang không lạ gì bộ mặt của những kẻ "tiểu tam" nên thái độ cư xử với Nhã cực mềm mỏng, lịch sự và vô cùng thông minh.
Cũng thấu hiểu con trai, con dâu ở lần đầu làm cha mẹ, khi Vũ đang lúng túng không biết pha sữa cho con thế nào thì mẹ Giang đã đem sẵn một bình sữa lên vì "mẹ canh giờ rồi mà". Biết Thư mới sinh còn đau vết mổ, mẹ Giang luôn nhắc nhở Vũ phải chăm sóc vợ. Nửa đêm nghe cháu khóc bà lại sốt sắng chạy lên xem tình hình. Xem đến đây thì khán giả chỉ còn nước thốt lên đúng là mẹ chồng "quốc dân" phải tu mấy kiếp mới được làm con dâu mẹ Giang. Dù biết đây chỉ là mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu trên phim Việt thôi nhưng các cô gái hẳn đã được củng cố tinh thần hơn rất nhiều sau những nỗi ám ảnh khác như "Sống chung với mẹ chồng"...
Bà Minh - Cung Đường Tội Lỗi
Tâm lý không kém phần bà Giang của Về Nhà Đi Con là bà Minh (NSUT Kim Xuân) trong Cung Đường Tội Lỗi. Là tuýp phụ nữ tự chủ về kinh tế, có tiếng nói ngoài xã hội nhưng bà Minh không hề xem thường xem con dâu nhà quê ít chữ. Thậm chí bà còn là người duy nhất trong nhà luôn đứng ra bảo vệ con dâu.
Biết con trai có nhân tình ở ngoài, chính bà Minh đã xử đẹp "tiểu tam", giúp con dâu giữ chồng. Bà luôn tìm cách vun đắp cho cuộc hôn nhân không tình yêu của con, tìm cách giúp con trai có thể sớm mở lòng với vợ. Thấy con dâu bị "bà cô bên chồng" bắt nạt, bà Minh ra tay xử đẹp luôn con gái mình, nhờ vậy mà cuộc sống gia đình mới được trong ấm ngoài êm.
Mẹ chồng trong Mẹ Chồng Tôi
Khác với hình ảnh mẹ chồng tai quái của phim Việt mấy năm gần đây, tròn 25 năm trước trên màn ảnh nhỏ có một bà mẹ chồng từng khiến khán giả phải rơi nước mắt, vì sự tuyệt vời và đức hy sinh của mình. Khi con trai phải lên đường ra mặt trận, bà ở nhà sống cùng con dâu. Dù khác máu tanh lòng nhưng bà luôn thương Thuận như con gái ruột. Khi biết tin con dâu phải lòng và có thai với người đàn ông khác, bà không hề trách cứ, mắng mỏ mà chỉ khuyên Thuận hãy dứt khoát với con trai mình để đi theo tiếng gọi của trái tim. Sợ Thuận mang tiếng xấu bà quyết giấu kín mọi chuyện rồi chăm sóc "cháu nội hờ" như máu mủ của mình.
Mẹ chồng trong Những đóa ngọc lan
Cuộc sống nơi nhà chồng dù có ngột ngạt, căng thẳng đến đâu cũng trở nên dễ thở hơn nếu các nàng có một mẹ chồng tâm lý như trong phim "Những đóa ngọc lan". Vốn là con gái cưng của ba mẹ, chẳng biết gì, Chiêu Mai (Ngọc Lan thủ vai) chưa từng nghĩ đến ngày mình làm dâu trong một gia đình đậm chất truyền thống, nơi phụ nữ phải lo mọi việc trong nhà. Biết Ngọc Lan chẳng mấy đảm đang nhưng mẹ chồng cô không hề cảm thấy khó chịu, ngược lại còn nhiều lần nói đỡ cho Chiêu Mai, thậm chí cùng cô bóc mẽ con trai Quân của mình.
Khi vợ chồng con trai lục đục vì người cũ hay có quan hệ ngoài luồng lúc con dâu đang mang thai, chính mẹ chồng là người đứng ra phân xử, bà chẳng hề thiên vị con trai mà luôn rạch ròi đúng sai phải trái, thậm chí trách mắng con trai vì đã làm việc có lỗi với vợ mình. Câu nói "Con dâu và cháu nội tôi có mệnh hệ gì thì anh đừng gọi tôi là mẹ nữa" đã trở thành một giai thoại trên màn ảnh Việt suốt một thời gian rất dài vì sự công tâm, công bằng của bà mẹ chồng quốc dân này.
Quả thực, có một người mẹ chồng như mẹ Giang hay mẹ Minh, đó là điều mà bao nàng dâu ao ước và mong mỏi. Người ta thường ngại lấy chồng vì lo câu chuyện "mẹ chồng nàng dâu", nhưng chắc nhìn vào những bà mẹ chồng quốc dân này, chẳng cô gái nào còn sợ lấy chồng và sợ mẹ chồng nữa.