Nguy kịch vì ngộ độc nấm
Mới đây, một gia đình 5 người ở Nghệ An đã nhập viện sau khi ăn phải nấm độc. Các nạn nhân đều trong tình trạng ngộ độc nặng, có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, đi tiểu ra máu màu đen. Được biết, trước đó cả nhà lên nương, giờ nghỉ trưa có hái nấm lửa ăn nên bị ngộ độc. Sau khi được điều trị, mặc dù sức khỏe phục hồi tốt, tuy nhiên mọi người trong gia đình vẫn phải tiếp tục theo dõi.
Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng đã từng ghi nhận nhiều trường hợp cấp cứu vì ngộ độc nấm. Ở Cao Bằng, gia đình có 9 người bị ngộ độc nấm, trong đó 8 người tử vong. Việc chữa trị ngộ độc này rất khó khăn, thời gian điều trị kéo dài, chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng.
Theo BS Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), nấm có nhiều chủng loại với giá trị dinh dưỡng cao nhưng không phải đều ăn được. Có rất nhiều loại nấm độc, mọc hoang dại có thể gây tổn thương gan và tử vong rất nhanh. Các vụ ngộ độc do ăn phải nấm độc xảy ra thường xuyên ở vùng đồng bào dân tộc sống tại các tỉnh như Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Nghệ An… Nhiều vụ ngộ độc có tính chất gia đình và gây tử vong nhiều người.
Các loại nấm gây ngộ độc nặng có chất amatocxin, phallatoxin, amatoxin… làm tiêu hủy hồng cầu, bạch cầu, tế bào thần kinh. Chỉ cần vài cây nấm độc trong món ăn cũng có thể gây độc, có thể khiến hơn 50% bệnh nhân tử vong.
Điều đáng lo ngại là có những loại nấm chứa nhiều độc tố nhưng ít người biết vẫn hay lấy để ăn do rất giống nấm thường, mọc lẫn với nấm ăn được. Đồng thời, cũng vì quan niệm không đúng về loại nấm độc như: Nấm độc thường có màu sắc sặc sỡ, nhưng thực tế loại nấm độc hay gây chết người lại có màu trắng, vẻ lành tính, giống như nấm thường.
Có người lại nghĩ nấm đã bị côn trùng ăn thì người cũng ăn được. Họ cho động vật (chó, gà…) ăn thử trước nếu động vật không sao thì là nấm không độc. Nhưng việc thử là không thực tế vì cần phải mất vài ngày để theo dõi đảm bảo con vật không sao, trong khi đó con người ăn vào vẫn bị ngộ độc. Hay việc một số bà con thử nấm bằng thìa, đũa, dây chuyền... làm bằng bạc thấy thay đổi màu xám đen thì là nấm độc. Điều này cũng hoàn toàn sai lầm vì độc tố của nấm không tác dụng đối với bạc nên không gây đổi màu.
Theo các chuyên gia, nấm lửa một loại nấm mọc hoang trong rừng có màu trắng ngả vàng và xám. Thân của nó thẳng đứng khá chắc, tán nấm ở mức tương đối, có màu hơi xám vàng, rất dễ nhầm với các loài nấm khác. Loại nấm này xuất hiện ở nhiều địa phương, người dân vẫn nghĩ như nấm bình thường nên hái về ăn.
Ngộ độc sau ăn càng lâu càng dễ tử vong
ThS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, so với các loại ngộ độc thì ngộ độc nấm nguy hiểm và dễ tử vong cao hơn rất nhiều do độc tố trong nấm cực mạnh. Hơn nữa, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thuốc giải độc đặc trị. Hiện việc điều trị cần cấp cứu, thải độc và giải độc sớm, hồi sức tích cực, rất tốn kém.
Lo ngại nhất là biểu hiện ngộ độc trên người xuất hiện chậm. Tùy theo loại nấm, biểu hiện ngộ độc thường xuất hiện sau 6 giờ, có khi sau 20 giờ. Biểu hiện ngộ độc càng chậm thì chất độc càng ngấm sâu vào cơ thể, càng khó chữa vì các chất độc đã đi sâu xuống ruột và hấp thu vào máu.
Với trường hợp này, người bệnh lúc đầu có nôn, đi ngoài phân lỏng nên rất cần được nhanh chóng uống đủ nước oresol, nước canh, hoặc nước khoáng. Bệnh nhân cần được khẩn trương tới cơ sở y tế gần nhất, sau đó nhanh chóng được chuyển tới cơ sở y tế có điều kiện cấp cứu hồi sức và giải độc đầy đủ.
Các chuyên gia khuyến cáo, nấm độc thường là nấm có đủ mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc. Bộ phận độc nằm trong toàn bộ thể quả nấm và lượng độc tố thay đổi theo mùa, quá trình sinh trưởng cũng như môi trường, khí hậu. Để phòng ngừa ngộ độc nấm, người dân không nên hái nấm hoang dại ăn, kể cả nấm màu trắng, trông giống nấm thường... Nấm độc rất dễ nhầm lẫn với nấm non, chưa xòe mũ vì lúc đó chưa thấy hết đặc điểm cấu tạo của nấm nên mọi người không nên ăn nấm hoang dại còn non; không ăn loại nấm khi cắt, vết cắt có rỉ ra chất trắng như sữa; không ăn nấm quá già, nấm có nghi ngờ độc...
Mọi người chỉ nên ăn các loại nấm được nuôi trồng và khi đã biết chắc nguồn gốc cũng như chủng loại nấm. Ngay loại nấm tươi ăn được người dân cũng nên ăn ngay khi mới hái, nếu để ôi, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc.
Nhận diện một số loại nấm độc dễ nhầm nấm thường:
- Nấm tán trắng: Bề ngoài nấm tán trắng rất mập, trắng nên dễ bị nhầm với các loại nấm ăn được. Loại này hay mọc ở ven rừng, ven đường hoặc trên bãi cỏ. Quả nấm màu trắng, đôi khi ở giữa có màu vàng bẩn, bề mặt khi thời tiết khô thì nhẵn bóng, khi trời ẩm thì ướt và dính. Phấn nấm màu trắng, đường kính khoảng 5 - 10cm, cuống và vòng cũng màu trắng, chân phình dạng củ.
- Nấm đỏ: Nấm mọc đơn độc hoặc thành cụm. Quả nấm có màu đỏ rực hay đỏ cam, màu sắc có thể nhạt dần sau mưa, có phủ những vảy màu trắng, đường kính từ 10 - 15cm, cuống và vòng màu trắng hoặc vàng, chân phình dạng củ, thịt nấm trắng không có mùi vị đặc biệt.
- Nấm đen nhạt (nấm bìu, nấm xanh đen - Amanita phalloides): Quả nấm thường có màu xanh ôliu hay xanh đen, phiến nấm màu trắng, cuống và vòng màu trắng, chân cuống nấm phình dạng củ. Thịt nấm mềm màu trắng, khi non có mùi thơm ngọt, già có mùi khó chịu. Nấm thường mọc đơn độc hoặc thành cụm ở trên mặt đất rừng hoặc bãi cỏ. Đây là loại nấm cực độc, chỉ khoảng 30g nấm cũng đủ khiến người trưởng thành tử vong.
(Theo tư vấn Trung tâm Chống độc)