Giá đỗ là loại rau mầm rất phổ biến tại Việt Nam. Giá đỗ chứa dưỡng chất phong phú như: Protein, các vitamin nhóm B, hàm lượng cao vitamin C và vitamin E, đồng, sắt, magie, mangan, kẽm.
Ngoài ra, giá đỗ nhiều chất xơ và có hàm lượng calo thấp, được nhiều người sử dụng trong các bữa ăn giảm cân vì nó giúp tăng cholesterol tốt, giúp tăng cường sức khỏe tim mạch và duy trì huyết áp ổn định.
Ngoài việc xào giá đỗ với các nguyên liệu như lòng, thịt... còn có 2 cách ăn giá đỗ phổ biến là chần qua nước sôi và ăn sống. Vì vậy, câu hỏi nên ăn giá đỗ chần nước sôi hay ăn sống được rất nhiều người yêu thích loại rau mầm này quan tâm.
Trên thực tế, nếu ăn giá đỗ sống, chúng ta có thể hấp thu gần như trọn vẹn các vitamin và khoáng chất có trong loại rau này. Tuy nhiên, môi trường để trồng giá đỗ nóng ẩm, rất dễ nhiễm 2 loại khuẩn phổ biến là Salmonella và E.coli.
Chính vì vậy, ăn giá đỗ sống có nguy cơ ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng như buồn nôn, sốt, đau quặn bụng, đi ngoài nhiều, đi ngoài phân có máu.
Đặc biệt, hiện không ít cơ sở trồng giá đỗ dùng chất kích thích để nhanh thu hoạch, khiến món rau khoái khẩu này bị nhiễm hóa chất. Về lâu dài, những hóa chất này sẽ tích tụ trong cơ thể, ảnh hưởng gan, thận và gây ra các bệnh mãn tính, ung thư.
Vì vậy, các bác sĩ khuyên mọi người nên ăn giá đỗ chần nước sôi. Nhiệt độ cao trong nước sôi có thể diệt vi khuẩn như Salmonella và E.Coli. Ngoài ra, việc làm chín giá đỗ trước khi ăn sẽ giúp tăng khả năng tiêu hóa, đặc biệt, với người có đường ruột yếu, nhạy cảm. Tuy vậy, việc chần giá đỗ qua nước sôi sẽ làm mất một số chất dinh dưỡng như vitamin C.