Nghi do sốc nhiệt ngày nắng 40 độ C
Theo báo Vietnamplus, vào chiều 18/5, người dân trên đường Yên Phụ (Hà Nội) phát hiện một cụ ông nằm bất tỉnh trước hiên nhà trong khi trời đang nắng nóng dữ dội.
Khi lại gần, nạn nhân đã tử vong. Bên cạnh cụ ông này vẫn còn một bát cơm do người đi đường đem đến nhưng nạn nhân chưa kịp dùng hết.
Ngay sau khi nhận được tin báo, cơ quan chức năng đã có mặt tại hiện trường.
Các nhân chứng cho hay: Nhiều khả năng nạn nhân bị sốc nhiệt vì lúc đó đang nắng to, nhiệt độ ngoài trời rất cao; cùng với đó là có thể do đói lả, kiệt sức.
Hiện tại cơ quan chức năng đang làm các thủ tục theo đúng quy định của pháp luật.
Làm gì để tránh sốc nhiệt?
Khoa cấp cứu, bệnh viện Bạch Mai đã từng tiếp nhận không ít trường hợp sốc nhiệt vào mùa nắng nóng.
“Có người bị sốc nhiệt khi đang đi chợ hoặc gắng sức làm nốt việc đồng áng vào ban trưa. Nạn nhân cấp cứu trong tình trạng sốt cao, đỏ da toàn thân, hôn mê sâu, có người đã bị tổn thương não nặng sau sốc nhiệt”, bác sĩ Lương Quốc Chính, Bệnh viện Bạch Mai cho biết.
Biến chứng do sốc nhiệt tùy thuộc vào nhiệt độ cơ thể cao trong bao lâu. Nếu không cấp cứu nhanh chóng để làm giảm nhiệt độ cơ thể, sốc nhiệt sẽ gây tổn thương vĩnh viễn các cơ quan quan trọng như não, tim, phổi. Thậm chí, sốc nhiệt có thể khiến nạn nhân tử vong.
Theo bác sĩ Chính, những người hay phải ra đường khi nắng nóng hoàn toàn có thể dự phòng sốc nhiệt.
Mặc đồ rộng rãi, quần áo nhẹ. Bởi mặc quá nhiều quần áo hoặc quần áo quá chật sẽ làm tăng cơn nóng bức.
Đội mũ rộng vành, đeo kính râm và bôi kem chống nắng phổ rộng với yếu tố bảo vệ khỏi ánh mặt trời (SPF) tối thiểu 15.
Thoa nhiều kem chống nắng và thoa lại kem chống nắng mỗi hai giờ hoặc thoa thường xuyên hơn nếu bạn đang bơi hoặc đổ mồ hôi.
Uống nhiều nước. Uống nước sẽ giúp bạn cân bằng điện giải và duy trì nhiệt độ cơ thể bình thường.
Ngoài ra, người già và trẻ nhỏ là những đối tượng thích nghi kém với môi trường, vào những ngày nắng nóng không nên đi ra ngoài trời.